Đây cũng là vấn đề được Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Đức Chi đề cập tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2023, diễn ra vào cuối tuần qua, trong đó có nội dung liên quan tới câu chuyện quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Thực tế cho thấy, sau thời gian đi vào hoạt động, việc quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập, khiến dư luận hoài nghi về tính hiệu quả của Quỹ. Dư luận càng bức xúc khi tình trạng nợ thuế, trốn thuế, chiếm dụng Quỹ xảy ra ở không ít doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trong đó có doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý nhà nước "điểm danh".
Vụ lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) bị bắt vừa qua liên quan vi phạm về sử dụng và không nộp hàng trăm tỷ đồng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là một minh chứng.
Qua vụ việc này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn nhiều bất hợp lý. Đó là dường như, cơ chế quản lý tài chính của Quỹ đã “sai từ gốc” khi cơ quan quản lý quyết định việc sử dụng Quỹ, còn doanh nghiệp lại có nhiệm vụ quản lý Quỹ. Sai phạm trên có thể là hệ quả của sự bất cập trong cơ chế quản lý nói trên.
Ngoài trường hợp trên, không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp đầu mối khác cũng đang “có vấn đề”.
Nhận định này ít nhiều có cơ sở, vì với những đầu mối là doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp đó sẽ không dại gì làm sai trong trích hoặc sử dụng Quỹ cho mục đích khác, bởi chỉ cần cho thuê hạ tầng một cách minh bạch là đơn vị đó đã có được khoản thu không nhỏ. Vấn đề chính nằm ở doanh nghiệp đầu mối tư nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, có kết quả kinh doanh không khả quan. Vụ lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil bị bắt, hay số dư Quỹ cuối kỳ âm cả tỷ đồng ở CTCP Xăng dầu Tân Nhật Minh…cho thấy những hạn chế trong quản lý quỹ.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp không được sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để cấp vốn kinh doanh, hoặc sử dụng cho mục đích khác. Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nằm ở doanh nghiệp và định kỳ, doanh nghiệp phải có báo cáo đồng thời lên cơ quan quá trình quản lý là Bộ Tài chính và Bộ Công thương.
Nếu chiếu theo quy định hiện hành, sẽ có khá nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang vi phạm quy định và điều kiện về kinh doanh, nhưng chưa bị xử phạt. Cụ thể, Điều 39, Nghị định 95/2021/NĐ-CP, ngày 1/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm công bố trên trang tin điện tử của mình hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, số sử dụng, số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá trong nước. Đó là chưa kể, các doanh nghiệp cũng phải công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán. Song vẫn còn tình trạng doanh nghiệp đầu mối có doanh thu cả ngàn tỷ đồng, nhưng không hề có website công bố thông tin theo quy định.
Thực ra, công tác quản lý, giám sát, hậu kiểm liên quan Quỹ là không quá khó, bởi việc thanh tra toàn bộ tài khoản Quỹ tại doanh nghiệp đầu mối sẽ làm rõ và trả lời được những nghi ngại của dư luận. Việc xây dựng cơ chế quản lý kiểm soát dòng tiền của Quỹ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin cũng sẽ giúp hạn chế được những rủi ro về chiếm dụng vốn. Cùng với đó, có thể kết hợp kiểm tra, thanh tra thường xuyên trực tiếp tại doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý những đầu mối không có website, không nhập đủ hạn mức xăng dầu được phân giao, nợ thuế lớn... Đặc biệt, cần sớm quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc trích lập, sử dụng đi đôi với kiểm soát thực tế tồn dư Quỹ.
Sự biến động về giá xăng dầu là một trong những nguyên nhân chính tác động trực tiếp tới CPI hàng tháng. Một khi giá xăng dầu đã phản ánh vào CPI thì tất yếu sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong khi các quyết định sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chưa chia sẻ được nhiều khó khăn với người dân, doanh nghiệp, thì yêu cầu quản lý, sử dụng Quỹ sao cho linh hoạt hơn, phù hợp thực tế hơn, sẽ càng trở nên bức thiết.