Điểm nghẽn kết nối giao thông
Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM, nằm trong vùng Đông Nam bộ, có đường biên giới với Vương quốc Campuchia. Bình Phước hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để có thể phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, hiện đại, nhất là phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng sạch.
Qua 25 năm xây dựng, phát triển, hội nhập và khát vọng vươn lên, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện. Tuy nhiên, tỉnh cũng còn tồn tại một số hạn chế như đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; quy mô kinh tế còn nhỏ; chất lượng, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, lợi thế.
Điểm nghẽn lớn nhất của Bình Phước là kết nối giao thông còn hạn chế. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Phát triển chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, chưa ứng dụng có hiệu quả khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, tỉnh Bình Phước xác định quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở quan trọng để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người đưa Bình Phước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, phấn đấu đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh “công nghiệp hiện đại, là điểm đến hấp dẫn, mội trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ” và đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển giàu mạnh, văn minh.
Báo cáo Dự thảo Quy hoạch đưa ra dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 của tỉnh Bình Phước là khoảng 600.000 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 210.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 khoảng 390.000 tỷ đồng; vốn khu vực nhà nước chiếm khoảng 16,7% tổng nhu cầu vốn đầu tư, vốn khu vực ngoài nhà nước khoảng 50% và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 33,3%.
Đề xuất hướng trở thành vùng sinh thái xanh
Đánh giá Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng Thẩm định thông qua và khi được Thủ tướng phê duyệt tới đây sẽ là một dấu mốc quan trọng giúp tỉnh Bình Phước chủ động kiến tạo tương lai phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đặt câu hỏi, để đạt được mục tiêu tỉnh đặt ra vào năm 2030, thì mục tiêu tăng trưởng đặt ra 8,5% có đảm bảo khát vọng?
Thứ trưởng cũng lưu ý, khi lựa chọn phát triển công nghiệp là chủ đạo đồng nghĩa với việc tác động của quy hoạch đến môi trường sẽ lớn. Trong khi đó, các vấn đề môi trường chính và giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu tác động chưa được đề cập cụ thể.
Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng băn khoăn về khả năng cân đối nguồn lực, thu hút vốn đầu tư với nhu cầu lên tới 600.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030 mà tỉnh Bình Phước đưa ra.
Đồng tình, chuyên gia, TS. Cao Viết Sinh cho rằng, trong 3 kịch bản tăng trưởng mà địa phương đưa ra, phương án tăng trưởng 8,5%/năm là phù hợp với Nghị quyết 24/NQ-TW. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5%/năm, thì có nghĩa không bằng giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Đồng Nai, Bình Dương là các địa phương đã đi trước trong phát triển công nghiệp, nên Bình Phước cần cân nhắc vấn đề này. “Phát triển triết lý theo hướng vùng sinh thái xanh cho Đông Nam bộ là hướng đi tốt, phù hợp cho Bình Phước”, TS. Cao Viết Sinh gợi mở.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: “Tỉnh Bình Phước đang nỗ lực tập trung phát triển theo hướng bền vững để tự đứng vững trên đôi chân của mình, góp phần vào phát triển vùng Đông Nam bộ, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”.
Người đứng đầu UBND tỉnh Bình Phước cũng khẳng định, tỉnh Bình Phước sẽ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, khoa học nhất trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.