Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - VDA, ngành sữa đã và đang nỗ lực góp phần đóng góp tích cực vào công cuộc phục hồi nền kinh tế của đất nước sau đại dịch.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam - VDA phát biểu tại họp báo |
Chiến lược của ngành sữa Việt Nam là từng bước phát triển bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tạo khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội.
Trong hai năm 2020 - 2021, mặc dù khó khăn vì dịch bệnh doanh thu thị trường sữa Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 113.700 tỷ đồng và năm 2021 ước đạt 119.300 tỷ đồng.
Tăng trưởng doanh thu ngành sữa chủ yếu nhờ vào 2 mảng chính là sữa bột và sữa nước. Hàng năm, sản lượng sữa luôn được duy trì đà tăng trưởng: theo Tổng cục Thống kê, sản lượng sữa nước của cả nước năm 2021 ước đạt 1.770,1 triệu lít, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản lượng sữa bột tính chung năm 2021 đạt 151,5 nghìn tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng sữa bò tươi nguyên liệu năm 2021 ước đạt 1.200 nghìn tấn, tăng 10,5% so với năm 2020, khai thác từ đàn bò sữa 375,2 ngàn con, tăng 13,2%.
Năng suất sữa bình quân cả nước năm 2010 đạt 3,0 tấn/bò vắt sữa/năm đến nay tăng lên 4,76 tấn/bò vắt sữa, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,7%/năm.
Trong nhiều năm qua, một số doanh nghiệp đã chủ động xúc tiến tìm thị trường xuất khẩu sang các quốc gia. Kim ngạch xuất khẩu sữa tăng lên trong các năm 2020 và 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt gần 300 triệu USD.
Đến nay, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người là 27 lít/người/năm. Dự báo mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người hàng năm sẽ tiếp tục tăng 7-8%.
Nói về các giải pháp nhằm nâng cao quy mô, sản lượng ngành sữa, theo ông Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn, xã hội càng ngày càng phát triển, nhu cầu về sữa của người tiêu dùng trên thế giới và trong nước ngày càng cao, vì thế, thị trường sữa rất sôi động đặc biệt về sữa tươi.
Trước yêu cầu đó, Việt Nam cần và phải phát triển nhanh hơn, nhiều hơn về đàn bò sữa, về sản lượng và chất lượng sữa. Song song việc khuyến khích các Công ty lớn đầu tư chăn nuôi bò sữa tập trung công nghiệp, Việt Nam cần chú ý nhiều hơn cho chăn nuôi bò sữa quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt quy mô hộ gia đình.
"Đồng thời cần áp dụng các biện pháp, các tiến bộ kỹ thuật về chọn, nuôi giữ giống; kỹ thuật chế biến thức ăn; kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh; kỹ thuật khai khác, bảo quản sữa trước khi chế biến; tăng cường liên doanh, liên kết; hỗ trợ giúp đỡ nhau mỗi khi có biến động về thị trường", ông Giao nêu.
Trong điều kiện bình thường mới, để tiếp tục tạo điều kiện cho ngành sữa Việt Nam hội nhập phát triển bền vững, góp phần vào công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch, “Triển lãm Quốc tế ngành Sữa và sản phẩm Sữa lần thứ 3 - VIETNAM DAIRY 2022” sẽ được tổ chức sau khi đã bị trì hoãn 2 lần vào năm 2021.
VIETNAM DAIRY 2022 là triển lãm quốc tế về sữa, sản phẩm sữa duy nhất được tổ chức tại Việt Nam. Sản phẩm trưng bày và giới thiệu tại triển lãm bao gồm: Sữa và sản phẩm sữa, nguyên liệu phụ gia sử dụng trong ngành sữa; giống bò sữa; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y dùng cho bò sữa; máy móc trong chăn nuôi bò sữa, hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản xuất, chế biến sữa…
Triển lãm sẽ là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, làm cầu nội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tăng cường khả năng hợp tác đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành Sữa Việt Nam.