Thời sự
Bộ Công thương định hướng xúc tiến thương mại năm 2016
Duy Hữu - 12/06/2015 17:34
Bộ Công thương vừa ban hành chương trình xúc tiến thương mại năm 2016, theo đó, về xuất khẩu sẽ tập trung vào 10 thị trường trọng điểm.

Bộ Công thương nhận định, năm 2016, ASEAN tiến tới một khu vực thị trường chung với việc tự do hóa lưu chuyển hàng hóa trong khu vực với mức thuế bằng 0%. Điều này đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Việc thuế nhập khẩu được cắt giảm hoàn toàn sẽ khiến cho hàng hóa của các nước trong khu vực dễ thâm nhập lẫn thị trường của nhau. Cạnh tranh trên thị trường xuất nguyên liệu thô sẽ không biến động lớn nhưng thị trường hàng chế biến sẽ chịu cạnh tranh mạnh mẽ.

Thuỷ sản là mặt hàng được định hướng là trọng điểm xuất khẩu

Bộ Công thương xác định các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm là thủy sản, rau quả, cà phê, hạt tiêu, gạo, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm hóa chất, phân bón các loại, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo, cao su. hàng dệt, may, giày dép các loại, sản phẩm gốm, sứ, thủy tinh, sắt thép các loại.

Các thị trường trọng điểm được chú trọng là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, EU, Nga, Đông Âu, Hoa Kỳ, Mỹ La-tinh, châu Phi, Tây Á, Nam Á.

Ở trong nước, Bộ Công thương sẽ tổ chức các hội chợ công thương nhằm quảng bá tiềm năng kinh tế thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm của Vùng; nâng cao hiệu quả tổ chức hội chợ triển lãm, hiệu quả tham gia hội chợ triển lãm của các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tăng thị phần trong nước và nước ngoài; Nâng cao năng lực cho các trung tâm xúc tiến thương mại địa phương trong việc tổ chức hội chợ triển lãm nói riêng và tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại nói chung.

Tổ chức các Hội chợ nông nghiệp nhằm xúc tiến thương mại cho nông sản, thực phẩm, vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp, ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng nông sản có tính thời vụ, sản lượng lớn

Giúp các doanh nghiệp tiếp cận được thị trường nông thôn, tăng thị phần cung cấp hàng hoá, nắm bắt nhu nhu cầu thị hiếu, tập quán tiêu dùng qua đó cải tiến mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm với giá thành hợp lý phục vụ khách hàng; tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiện giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, làm nền tảng cho sự phát triển thương mại nội địa bền vững, từng bước đẩy lùi hàng ngoại, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Tin liên quan
Tin khác