Máy tính, điện tử và linh kiện là mặt hàng đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, gần 40 tỷ USD trong 7 tháng. |
Nội dung này được nêu trong Báo cáo số 5795/BCT-KHTC gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2024, dự kiến kế hoạch 2025 của ngành Công thương.
6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ước đạt hơn 190 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,4 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,7 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.
Cả nước có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,6%).
Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục đạt kết quả tích cực, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với mở rộng các thị trường mới (châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á).
Do vậy, xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt, một số thị trường tăng trưởng cao ở mức hai con số.
6 tháng qua, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng tới 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 22,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc 27,8 tỷ USD, tăng 5,3%, EU 24,4 tỷ USD, tăng 14,1%, Hàn Quốc 12,2 tỷ USD, tăng 10,4%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.
Tín hiệu tích cực là cơ cấu nhập khẩu hàng hóa chiếm tới 88,8% tổng kim ngạch nhập khẩu là nhóm hàng: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước.
Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 11,63 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng trưởng nhưng hạn chế là vẫn phụ thuộc vào một số thị trường chính, chịu tác động mạnh bởi bất ổn chuỗi cung ứng, cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi nhưng chưa vững chắc.
Phân tích kỹ hơn, Bộ này cho biết: "Xuất nhập khẩu tăng 14,5% 6 tháng đầu năm chủ yếu là do nền tăng trưởng thấp của cùng kỳ năm trước (6 tháng 2023 xuất khẩu giảm 11,3%), đồng thời mức tăng trưởng này hiện thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm trước covid-19 (6 tháng 2017, 2018 tăng lần lượt 18,9% và 16%".
Năm 2024, ngành Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 6%; cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư.
Dù kinh tế toàn cầu vẫn đối diện rủi ro khó đoán định, lạm phát vẫn là vấn đề của nhiều quốc gia, dư thừa công suất tại Trung Quốc đang gia tăng áp lực cạnh tranh với các nhà cung ứng Việt Nam, nhưng qua phân tích các yếu tố thuận lợi và khó khăn của thị trường nửa cuối năm, căn cứ vào kết quả thực hiện nửa đầu năm tăng trưởng 2 con số, Bộ Công thương cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm 2024 đạt 6% là hoàn toàn có thể.