Việc thu phí sử dụng đường dẫn vào sân bay trong thời gian tới vẫn sẽ phải đợi sự hướng dẫn của Bộ GTVT. |
Bộ Tài chính vừa có công văn số 102/BTC – QLG báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý đối với số tiền phí sử dụng dịch vụ đường dẫn vào các nhà ga hàng không mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) thực đã thu (giai đoạn 2012-2017).
Theo Bộ Tài chính, tại Kết luận số 2569/KL-TTCP ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu ACV, Thanh tra Chính phủ không kiến nghị xử lý về kinh tế đối với ACV đã thu tiền sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô con đưa đón trả khách.
Thực tế giai đoạn 2012-2017, số tiền thu được từ hoạt động này, ACV đã hạch toán kế toán, xuất hóa đơn, xác định doanh thu, chi phí, lợi nhuận, trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo đúng hướng dẫn chế độ kế toán của Bộ Tài chính và đã nộp thuế, nghĩa vụ ngân sách theo đúng quy định.
Theo đó, Liên Bộ Tài chính – Bộ GTVT thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt, không xử lý kinh tế đối với số tiền ACV đã thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách giai đoạn 2012-2017 do ACVđã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách theo quy định; đồng thời, Kết luận số 2569/KL-TTCP ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ cũng không kiến nghị xử lý kinh tế về số tiền này.
Cần phải nói thêm, tại Kết luận số 2569/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ cho rằng, “21 chi nhánh cảng hàng không đang thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất. Tổng số tiền thu khoảng 59 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc về ACV, 21 cảng hàng không”.
Trong khi đó, theo Bộ GTVT, tổng doanh thu, chi phí, nghĩa vụ ngân sách đối với dịch vụ đường dẫn vào nhà ga 21 cảng hàng không đã được ACV thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2017 lên tới 1.024 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2012 - 2015 là 550,95 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần số công bố của Thanh tra Chính phủ. Sau khi trừ các chi phí, chênh lệch doanh thu - chi phí (trước thuế) từ nguồn thu này là 133 tỷ đồng. ACV đã thực hiện nghĩa vụ ngân sách khoảng 57 tỷ đồng. Đối với lợi nhuận còn lại, ACV trích quỹ đầu tư phát triển giai đoạn từ năm 2012 - 31/3/2016 và đã được tính vào giá trị phần vốn nhà nước khi đơn vị này cổ phần hóa vào năm 2016.
Liên quan đến thẩm quyền quy định mức thu tiền dịch vụ sử dụng dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không, Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 5 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam quy định: các dịch vụ hàng không và thuê mặt bằng, dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay (dịch vụ phi hàng không) thuộc thẩm quyền quản lý, quy định giá, tiếp nhận kê khai giá... của Bộ GTVT.
Đối với dịch vụ phi hàng không khác doanh nghiệp tự quyết định mức thu tiền sử dụng dịch vụ và thực hiện niêm yết mức thu theo quy định. Việc xác định cụ thể dịch vụ trên thuộc danh mục nhà nước (Bộ GTVT) định giá hay do ACV tự quyết định thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT.
Trong khi đó, Bộ GTVT cho rằng, dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không là dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay, không nằm trong danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT (có hiệu lực từ 1/10/2015), doanh nghiệp cảng hàng không tổ chức thu tiền dịch vụ, quyết định mức thu và thực hiện niêm yết mức thu theo quy định tại điểm b, khoản 8 Điều 11 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Đối với giai đoạn từ 2012 đến trước ngày Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT có hiệu lực (trước ngày 1/10/2015), việc quản lý giá dịch vụ hàng không thực hiện theo quy định tại Luật hàng không dân dụng năm 2006, Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT-BTC-BGTVT ngày 12/11/2008 của Liên Bộ Tài chính – Bộ GTVT về hướng dẫn về quản lý giá cước vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; Thông tư liên tịch số 43/2011/TTLT/BTC-BGTVT sửa đổi Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT-BTC-BGTVT. Theo đó, giá dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không không thuộc danh mục dịch vụ do nhà nước định giá được quy định tại Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT-BTC-BGTVT và Thông tư liên tịch số 43/2011/TTLT-BTC-BGTVT của Liên Bộ Tài chính - Bộ GTVT. Vì vậy, doanh nghiệp cảng hàng không tổ chức thu tiền dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga theo quy định.
Như vậy đối với dịch vụ này, doanh nghiệp cảng hàng không tổ chức thu tiền dịch vụ, quyết định mức thu và thực hiện niêm yết mức thu theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam, đồng thời thực hiện nộp thuế, nghĩa vụ ngân sách theo quy định.
Về phương án thực hiện thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho rằng, giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành tại Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Bộ GTVT là Bộ chủ quản có chức năng quản lý nhà nước đối với nhóm dịch vụ này.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện theo điểm 2 nêu tại văn bản số 8978/VPCP-V.I ngày 19/9/2018 của Văn phòng Chính phủ để phù hợp với đúng chuyên ngành quy định Luật giá, Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.