Thời sự
Bộ Giao thông Vận tải duyệt Đề án quản lý du thuyền, tạo “sân chơi” mới cho các siêu đại gia
Anh Minh - 16/12/2024 14:58
Đề án này có mục tiêu hình thành và phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền, bến du thuyền, từng bước trở thành một trong các yếu tố nhận diện của du lịch Việt Nam.
Một bến du thuyền tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký Quyết định số 1521/QĐ – BGTVT phê duyệt Đề án quản lý du thuyền.

Đề án này có mục tiêu xây dựng và lựa chọn lộ trình phát triển phù hợp, lấy công nghiệp, dịch vụ du thuyền, bến du thuyền là nền tảng và định hướng phát triển bền vững, xây dựng các dịch vụ du thuyền theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng cao và từng bước trở thành sản phẩm đặc trưng gắn liền với thương hiệu của đất nước.

Bên cạnh đó, Đề án đặt tham vọng mở rộng hợp tác, liên doanh với các nhà đầu tư, thương hiệu quốc tế để thu hút công nghệ tiên tiến hiện đại, đồng thời nhanh chóng tham gia, hội nhập vào chuỗi sản xuất, cung ứng, dịch vụ du thuyền của khu vực và thế giới.

Về giải pháp thực hiện ngắn hạn (2025 – 2026), Đề án sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp để khuyến khích, thu hút các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch du thuyền Việt Nam tại các thị trường quốc tế; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; hợp tác với các hãng lữ hành quốc tế để đưa du thuyền vào các tour du lịch.

Nghiên cứu việc thí điểm quản lý du thuyền tại Việt Nam, trong đó tập trung vào một số khu vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển du lịch biển mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng phù hợp, trong đó ưu tiên phát triển du thuyền cao cấp, dịch vụ chất lượng cao, hướng đến khách du lịch quốc tế tại khu vực có tiềm năng lớn, cảnh quan đẹp và đã có một số kết cấu hạ tầng sẵn có.

Phát triển du thuyền kết hợp với các hoạt động du lịch khác như lặn biển, câu cá, tham quan đảo. Phát triển du thuyền kết hợp với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, hướng đến đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thu hút nhiều phân khúc khách hàng.

Tại các khu vực được chọn thí điểm sẽ được rút gọn thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đăng ký, đăng kiểm du thuyền; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả.

Sau thời gian thí điểm, sẽ đánh giá toàn diện hiệu quả của mô hình quản lý, quy trình, cơ chế chính sách, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và có thể nhân rộng ra các khu vực khác.

Về giải pháp thực hiện dài hạn (2025 – 2030), Đề án đặt mục tiêu bổ sung khái niệm du thuyền trong Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy nội địa; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về du thuyền tại Việt Nam.

Rà soát, bổ sung quy hoạch về bến du thuyền, khu neo đậu du thuyền; các vùng biển, đường thủy nội địa mà du thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài được phép hoạt động.

Xây dựng các chương trình đào tạo chính quy về điều khiển du thuyền, hàng hải, du lịch và quản lý du thuyền tại các trường hàng hải và du lịch; bổ sung các khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, dịch vụ khách hàng và kỹ năng quản lý tình huống, giúp thuyền viên đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách; cung cấp học bổng và hỗ trợ tài chính cho sinh viên theo học ngành điều khiển du thuyền.

Nghiên cứu xem xét miễn giảm thủ tục vào, hoạt động, rời cảng biển đối với du thuyền phục vụ mục đích cá nhân và du thuyền phục vụ mục đích kinh doanh thương mại hoạt động thường xuyên trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực  hàng hải và nghiên cứu cho phép các du thuyền cá nhân không có số hiệu IMO được thực hiện thủ tục điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của du thuyền.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, ngành công nghiệp tàu thuyền giải trí trên toàn thế giới là một ngành công nghiệp khổng lồ với doanh thu ước tính hơn 230 tỷ USD vào năm 2024.

Nhu cầu ngày càng tăng về tàu thuyền sang trọng để đáp ứng cho các hoạt động giải trí, du lịch và thể thao mạo hiểm là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của thị trường này.

Đặc biệt là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù thị trường du thuyền ở đây vẫn còn khá non trẻ so với Châu Âu hay Châu Mỹ nhưng đang mở rộng nhanh chóng. Thị trường du thuyền của khu vực được thúc đẩy bởi sự giàu có ngày càng tăng ở các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, sự gia tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ xa xỉ cũng như sự hiện diện của một số đơn vị đóng du thuyền lớn nhất trên thế giới.

Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế phát triển của thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sau một thời gian chỉ có sự xuất hiện của các loại du thuyền du lịch biển quốc tế, các du thuyền cá nhân của các tỷ phú, triệu phú trên thế giới ghé thăm Việt Nam, một số cá nhân, đơn vị Việt Nam cũng đã thực hiện kinh doanh, phân phối, mua sắm, khai thác, sử dụng các du thuyền với mục đích cá nhân, vui chơi, giải trí, thể thao…

Tính đến nay đã có hơn 200 phương tiện nhập khẩu được nhập khẩu và khai thác tại Việt Nam với hình thức tương tự mô hình du thuyền cá nhân trên thế giới.

Tương tự như quá trình hình thành và phát triển ngành du thuyền trên thế giới, bên cạnh các quy định đối với các loại tàu thuyền cỡ lớn thì các quy định quản lý đối với nhóm du thuyền cá nhân với đặc điểm tần suất, mục đích, phạm vi sử dụng rất linh hoạt tùy theo điều kiện và nhu cầu của người sử dụng cần liên tục hoàn thiện trong quá trình quản lý và khai thác.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tại Việt Nam hiện chưa hình thành các quy định quản lý dành riêng cho nhóm đối tượng du thuyền cá nhân trên mà vẫn thực hiện theo các quy định áp dụng cho phương tiện tàu biển hoặc phương tiện thủy nội địa, do đó chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu về quản lý, khai thác và sử dụng du thuyền cá nhân, trong khi đây là nhóm đối tượng đang phát triển nhanh chóng.

Tin liên quan
Tin khác