Thi công Dự án đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long |
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ GTVT được tổ chức sáng nay.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý Bộ GTVT phải đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, đầu tư xây dựng các dự án giao thông lớn gắn với nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Trong đó, ưu tiên dành nguồn lực để triển khai đúng tiến độ các tuyến cao tốc Bắc Nam, cao tốc Trung Lương-Cần Thơ; Cảng hàng không Long Thành, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài; nâng cấp cải tạo đường sắt; đầu tư phát triển các cảng biển (Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải)…
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT sớm hoàn thành các công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đường thuỷ nội địa, đặc biệt là dự án xử lý các nút thắt của giao thông thuỷ nội địa như Kênh Chợ Gạo, Cầu Đuống; các dự án giao thông quan trọng khác như Quốc lộ 60, cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu2; hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM…
Đối với các dự án BOT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT kịp thời xử lý có hiệu quả các vướng mắc, tồn tại trong quá trình thu phí hoàn vốn các dự án, không để phát sinh các điểm nóng, gây mất trật tự an toàn xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chú trọng đến quy hoạch kết nối giữa các phương thức vận tải, hạ tầng, các trục đường để phát triển địa phương, phát triển vùng; đồng thời chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong 10 năm tới.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, trong năm 2018, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được Bộ GTVT quan tâm, chú trọng; bên cạnh việc hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền; đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, triển khai xây dựng nhiều đề án nhằm tăng cường kết nối, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn cả nước, tăng cường bảo đảm TTATGT các lĩnh vực...
Công tác chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm của ngành như đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất... cơ bản bám sát yêu cầu kế hoạch đề ra.
Đây là tiền đề quan trọng để Bộ GTVT triển khai các dự án trọng điểm này đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao trong thời gian tới đúng như yêu cầu của Đảng, Chính phủ và cử tri cả nước.
Bên cạnh đó, công tác CCHC, cải cách TTHC tiếp tục được thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc rà soát, triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT được triển khai tích cực, bám sát và vượt so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (vượt 19,4% danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành so với so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ). Công tác triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN của Bộ GTVT được chỉ đạo, triển khai hiệu quả, đã hoàn thành xây dựng và cung cấp toàn bộ 75 thủ tục hành chính của Bộ GTVT tham gia Cơ chế một cửa quốc gia, đạt 100% kế hoạch giai đoạn 2018-2020 ngay trong năm 2018.
Kết quả của những nỗ lực kiên trì của Bộ GTVT trong thời gian vừa qua thể hiện rõ nét ở chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, sản lượng vận tải tăng cao, dự kiến sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách năm 2018 tăng trên 12% so với năm 2017 (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là tăng từ 8-9%). Đặc biệt, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018 của Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra, tăng 25 bậc so với năm 2016. Trong khu vực Asean, Việt Nam đứng thứ 3 sau Singapore (thứ 3) và Thái Lan (thứ 32). Về tổng quan, logistics Việt Nam có thứ hạng đầu trong các thị trường mới nổi và hạng cao nhất trong nhóm có thu nhập trung bình thấp.
Trong năm 2018, Bộ GTVT đã tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm của Ngành như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Dự án xây dựng cầu Hưng Hà; các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận; dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông...Kịp thời hoàn thành 15 dự án để đưa vào khai thác; hoàn thành công tác chuẩn bị, triển khai thi công 15 dự án. Bộ GTVT đang tập trung hoàn thành 16 dự án để đưa vào khai thác và khởi công mới 2 dự án trước Tết Nguyên đán 2019.
Đây là những nỗ lực rất lớn của Bộ GTVT, các chủ đầu tư trong ngành trong việc thích ứng kịp thời với tình hình nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp để đầu tư đúng, trúng, mang lại hiệu quả đầu tư cao.
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư cho các dự án giao thông, Bộ GTVT đánh giá là chưa đạt được như mong muốn. Dự kiến đến hết thời điểm chỉnh lý quyết toán ngân sách Nhà nước (31/1/2019), Bộ GTVT sẽ giải ngân được khoảng 90,3%, tương đương hơn 23.785”, Thứ trưởng Nhật nói và cho biết: Tính theo nguồn vốn, đến hết tháng 1/2019 sẽ giải ngân được 100% nguồn vốn ngân sách trong nước. Đối với nguồn vốn nước ngoài phải giảm trừ 1.835 tỷ đồng; vốn TPCP phải kéo dài giải ngân 1.130 tỷ đồng sang năm 2019.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, xây dựng cơ bản và giải ngân là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Bộ GTVT. Tuy nhiên, rõ ràng công tác giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu.
“Vì sao chúng ta họp giao ban thường xuyên, liên tục nhắc nhở các chủ đầu tư, ban QLDA về trách nhiệm triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ, trong đó có việc giải ngân nhưng vẫn còn những dự án chưa đảm bảo tiến độ, giải ngân chưa đạt yêu cầu? Vì sao một số dự án vốn dư, giải ngân chậm nhưng không kịp thời báo cáo để điều chuyển vốn sang những dự án tốt hơn? Bài học kinh nghiệm cho năm 2019 là gì?...”, Bộ trưởng Bộ GTVT nêu vấn đề đồng thời khẳng định trong năm 2019 sẽ không không giao thêm việc, thậm chí có hình thức kỷ luật với các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.