Thời sự
Bộ máy phình to không do công chức
Mạnh Bôn - 01/11/2014 10:17
() Thảo luận về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 vào chiều 31/10, các đại biểu Quốc hội dành khá nhiều thời gian để bàn về việc có nên tăng lương hay không. Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bộ máy phình to không phải lỗi của công chức, nên không thể vì thế mà hoãn tăng lương.
TIN LIÊN QUAN

Mặc dù ngân sách năm 2014 dự kiến tăng thu 63.700 tỷ đồng, nhưng năm 2015, ngân sách phải chi rất nhiều khoản, đặc biệt là phải tăng chi cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, nên theo Đại biểu Phạm Minh Tấn, mặc dù không nêu rõ quan điểm có nên tăng lương hay không, nhưng ông cho rằng cần “phải thắt lưng buộc bụng” mọi khoản chi tiêu, trong đó có cả những khoản chi cho con người.

“Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biển Đông chưa hết nóng, nếu chúng ta không tập trung ngân sách cho quốc phòng, trong đó phải đặc biệt ưu tiên cho bảo vệ biển đảo thì không bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ. Vì vậy, bên cạnh việc giảm bớt chi tiêu công, chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, dành tiền để bảo vệ biên giới, hải đảo”, ông Tấn phát biểu.

Cũng không đề cập cụ thể việc tăng lương, nhưng Đại biểu Thân Văn Khoa và Bùi Đức Thụ đồng tình với đề nghị để mức bội chi năm 2015 là 5,3%; số tiền vượt thu (theo quy định phải sử dụng tối thiểu 30% để giảm bội chi) để tập trung chi đầu tư phát triển, trả nợ và chi những khoản cần thiết khác, không sử dụng số tiền này để tăng chi tiêu thường xuyên (lương và các khoản theo lương cho cơ quan hành chính, sự nghiệp… chiếm phần lớn trong tổng chi thường xuyên).

Đồng tình với quan điểm chưa nên tăng lương vào năm 2015, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, số tiền vượt thu nên để đầu tư, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế để có nguồn thu trong tương lai, không “ăn” ngay vào số tiền vượt thu ngân sách năm 2014.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên thẳng thắn đề nghị Quốc hội chưa thực hiện tăng lương kể từ năm 2015.

   
  Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Tiên  

“Nếu chúng ta tăng lương thì trên thực tế chúng ta chỉ cải thiện đời sống cho khoảng cho 3 triệu người hưởng lương từ ngân sách. Thế còn còn 87 triệu người nữa thì sao? Chẳng lẽ Quốc hội, Chính phủ chỉ quan tâm đến công chức, viên chức, những người hưởng lương từ ngân sách mà không quan tâm đến những đối tượng còn lại. Ngân sách là do tất cả mọi người đóng góp vào, vì vậy khi phân chia ngân sách phải bảo đảm sự công bằng, bình đẳng. Vấn đề là bây giờ Quốc hội, Chính phủ phải giải thích cho những người hưởng lương từ ngân sách hiểu vì sao chưa thể thực hiện tăng lương theo đúng lộ trình”, ông Tiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều Đại biểu Quốc hội không đồng tình với quan điểm này và đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải quyết tăng lương theo đúng lộ trình.

“Quốc hội đã một lần lỡ hẹn tăng lương với cử tri (năm 2014), giờ lại lỗi hẹn nữa có nghĩa là chưa xứng đáng là người đại diện cho cử tri. Chính phủ với tư cách là người sử dụng lao động lý giải việc chưa tăng lương là do bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả là không thuyết phục được người lao động cho mình”, Đại biểu Lê Nam mở đầu phần phát biểu với chủ đề “lương bổng” tại nghị trường.

“Hiện tại có một bộ phận “người nhà nước” có cuộc sống rất khó khăn, chúng ta không nâng lương thì không bảo đảm được chính sách an sinh xã hội. Bộ máy cồng kềnh, làm việc không hiệu quả không phải lỗi của công chức, viên chức. Họ không có lỗi mà không tăng lương cho họ như đã hứa (theo lộ trình cải cách tiền lương), vô hình trung chúng ta đánh mất niềm tin của người làm công cho chúng ta”, ông Nam tiếp tục.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, năm 2015 lấy lý do ngân sách còn khó khăn, chưa có nguồn để thực hiện cải cách tiền lương là không thuyết phục.

   
  ĐBQH, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm  

Thừa nhận cân đối ngân sách năm 2015 còn hết sức khó khăn, song theo bà Tâm, nguyên nhân cơ bản của khó khăn trong cân đối ngân sách là điều hành cả thu lẫn chi chưa nghiêm túc. Đây là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải lỗi của công chức, viên chức.

“Chính phủ lấy lý do chưa tăng lương là do năng suất lao động thấp. Nhưng chúng ta phải khẳng định rằng, năng suất lao động thấp không phải do lỗi của người lao động, mà là trách nhiệm của người sử dụng lao động ở đây là Chính phủ; do lỗi của người đứng đầu cơ quan, tổ chức vì lý do nào đó mà phân công, phân cấp nhiệm vụ chưa hợp lý; công tác tuyển dụng công chức, viên chưa công bằng, công khai nên bộ máy phình to, hoạt động kém hiệu quả”, bà Tâm phát biểu.

Bà Tâm cho rằng, với cơ chế lương cào bằng, lương không đủ sống như hiện nay thì trong cơ quan công quyền, người làm việc giỏi cũng được đãi ngộ như người làm dở; người làm việc tích cực, có trách nhiệm, hết lòng vì công việc, có kinh nghiệm, năng lực cũng được đối xử như những người còn lại thì không thể khuyến khích được công chức, viên chức nỗ lực hết mình vì công việc dẫn đến năng suất, chất lượng làm việc của bộ máy quản lý nhà nước mãi trong tình trạng kém hiệu quả, kém năng lực.

“Tăng lương là việc phải làm ngay. Nếu không sẽ gây tâm lý nặng nề cho công chức, viên chức. Chúng ta chưa tăng lương thì giải thích thế nào với cán bộ, công chức vì trên thực tế ngay cả năm 2014 dự toán thu ngân sách giảm so với năm 2013 (giảm 33.300 tỷ đồng), chúng ta vẫn dành đủ tiền để chi cho các khoản an sinh xã hội trong khi chúng ta lại không tăng lương cho người làm việc cho chúng ta”, bà Tâm tiếp tục.

Nếu lương tối thiểu tăng thêm 100.000 đồng thì năm 2015, ngân sách phải chi hơn 40.000 tỷ đồng nếu thực hiện tăng lương. Vấn đề cơ cấu số tiền này ở đâu?

“Bộ máy cồng kềnh thì thu gọn lại lấy tiền tăng lương. Đơn cử, nếu ghép bí thư và chủ tịch vào “một ghế” thì cả nước giảm được rất nhiều biên chế. Ngoài ra có rất nhiều khoản chi hỗ trợ trùng lắp chồng chéo tới mức ngay cả người thụ hưởng cũng thấy… buồn cười vì mỗi khoản mà họ được hưởng quá ít, nhưng tổng cộng cả nước thì lại rất lớn, nếu bỏ các khoản chi chồng chéo, trùng lắp thì ngân sách cũng có khoản kha khá để tăng lương”, Đại biểu Lê Nam đề xuất.

Tin liên quan
Tin khác