Thưa ông, ông có thể chia sẻ như thế nào về chủ đề của ICT Summit năm nay?
Mục tiêu của ICT Summit 2013 là góp phần đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức sâu sắc hơn ở các cấp, các ngành và toàn xã hội về quan điểm xác định CNTT là nền tảng cho phương thức phát triển mới, có tính tất yếu, hướng đến một xã hội tri thức, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần tạo sự tăng trưởng nhanh và bền vững.
Ứng dụng CNTT phải là yêu cầu bắt buộc trong mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư; trước mắt là trong cải cách hành chính, giao thông, y tế, giáo dục, phát triển đô thị.
Những yêu cầu này phải được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật. Đây là con đường ngắn nhất để các nước đi sau như Việt Nam có cơ hội đuổi kịp các quốc gia phát triển.
Vì sao lại như vậy, thưa ông?
Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phá sản, nhiều người lao động đã phải ra đường, sức mua giảm sút, tốc độ tăng trưởng thấp… Bài toán đặt ra là chúng ta phải làm gì để có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Một trong những lời giải đang nằm trong các giải pháp CNTT.
| ||
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA |
Cụ thể là thế nào, thưa ông? Việt Nam phải làm sao để vượt qua giai đoạn khó khăn này?
Trên thế giới có rất nhiều bài học kinh nghiệm khác nhau. Một quốc gia rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu như họ không có phương thức phát triển đúng đắn.
Tôi lấy ví dụ Philippines, họ đã có một giai đoạn phát triển khá nhanh. Họ cũng đã quan tâm CNTT, nhưng lại chỉ chú tâm đến làm gia công, không có chiến lược CNTT, nên 30 năm vẫn chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Malaysia mặc dù có ý tưởng về siêu hành lang truyền thông, nhưng họ vẫn vướng bẫy thu nhập trung bình 19 năm. Lý do là vì, họ chỉ nhìn CNTT như một ngành công nghiệp. Gần đây, Malaysia đưa ra chiến lược mới có tên Digital Malaysia, hy vọng thời gian tới sẽ có đột phá.
Còn Hàn Quốc, ngay từ đầu đã đặt CNTT như vũ khí để vượt bẫy thu nhập trung bình. Từ chính phủ điện tử, giáo dục, y tế… đều ứng dụng CNTT. Nhờ cách làm toàn diện như vậy họ đã trở thành con hổ châu Á.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ chọn con đường nào?
Vậy ông nghĩ, đó sẽ là con đường nào?
Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Những thành tố quan trọng nhất cho giai đoạn phát triển này đã được đề cập trong Nghị quyết 13 của Chính phủ, như hạ tầng của hạ tầng, giao thông thông minh, y tế thông minh, công dân điện tử… Vấn đề bây giờ là phải triển khai quyết liệt.
Việt Nam cần rút ngắn con đường của mình. Phải khai thác cơ hội là người Việt Nam đang ở giai đoạn trẻ và có truyền thống hiếu học. Tập trung vào những yếu tố mang ý nghĩa động lực cạnh tranh, như hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp, tạo thị trường điện tử… Cũng không nên bỏ qua những nhân tố sáng tạo mới, những giải pháp tinh vi, thông minh.
Chúng ta là người đi sau nhưng lại có lợi thế của người đi sau, có thể bỏ qua những bước đi trung gian lỗi thời, để tiến lên một nấc thang phát triển mới.
Liệu chúng ta có làm được như vậy không?
Tôi có niềm tin cá nhân là chúng ta sẽ làm được. Quay trở về năm 2000, khi đó, chúng ta nói về xuất khẩu phần mềm, về Internet, viễn thông, hành động của chúng ta khi ấy cũng không phải là rất đồng bộ, nhưng mỗi người nghe, thấy, làm một ít và kết quả là hiện giờ, Việt Nam đang đứng số 1 về phát triển viễn thông trên toàn thế giới, giữ vị trí thứ 2 ở thị trường phần mềm Nhật Bản, vượt Ấn Độ…
Vì thế, điều quan trọng là phải có thông điệp rõ ràng là chúng ta muốn đi về đâu. Từ đó, mỗi người dân, mỗi tổ chức đều có hành động của mình. Tôi tin là mọi việc sẽ có kết quả.
Vậy thông điệp đó là gì, thưa ông?
CNTT là nền tảng cho phương thức phát triển mới.
Các khuyến nghị của VINASA tại ICT Summit 2013
|
Nguyên Đức