Thời sự
Bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu không gây khó khăn, lãng phí
Nguyễn Lê - 15/11/2022 18:18
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu không gây khó khăn, lãng phí.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tại cuộc họp báo.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu không gây khó khăn, lãng phí.

Tại cuộc họp báo ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ tư của Quốc hội, chiều muộn 15/11, phóng viên đặt câu hỏi Quốc hội đã thông qua việc bổ sung nơi sinh vào hộ chiếu. Việc này sẽ được thực hiện trước ngày 1/1/2023. Vậy với những hộ chiếu đã được in, bị chú trong thời gian qua sẽ được xử lý ra sao. Nếu phải làm lại thì người dân có được miễn phí khi làm không?

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra nội dung Chính phủ trình), ông Trịnh Xuân An cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung nơi sinh vào trang nhân thân hộ chiếu không làm phát sinh thủ tục, chi phí do hiện nay trong mẫu tờ khai cấp hộ chiếu, giấy thông hành đã có mục thông tin nơi sinh. Đây là thông tin bắt buộc phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Cơ quan quản lý cấp hộ chiếu có thể khai thác thông tin nơi sinh trong cơ cơ sở dữ liệu về thông tin hộ chiếu.

Nhưng các hộ chiếu in rồi thì xử lý thế nào, trong tờ trình Chính phủ chưa đánh giá nội dung này, ông An thông tin.

"Trước đây, ta bổ sung thông tin nơi sinh vào bị chú thì Bộ Công an làm rất nhanh, chỉ trong vòng 2 ngày và hoàn toàn miễn phí" , ông An cho biết.

Đại biểu An nhấn mạnh Quốc hội thông qua nội dung này thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với vấn đề phát sinh và phải xử lý.

"Tờ trình của Chính phủ không nêu việc xử lý hộ chiếu đã in. Chúng tôi thẩm tra trên nội dung Chính phủ trình. Chính phủ trình nội dung nào thẩm tra đánh giá nội dung đó. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban là đồng ý chủ trương ghi nơi sinh vào", ông An nói.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu của cơ quan thẩm tra thì xử lý triệt để phải sửa đổi luật. Nhưng trong lúc chưa sửa luật thì Quốc hội đã linh hoạt ghi trong Nghị quyết chung.

"Đây là vấn đề phải đánh giá cao trách nhiệm của Quốc hội cũng như Chính phủ", ông An nhấn mạnh.

Cơ quan trình đã tính toán đầy đủ rồi. Tôi nghĩ không có gì khó khăn, lãng phí ở đây đâu, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói thêm.

Ngoài vấn đề nêu trên, phóng viên còn đặt vấn đề, thời gian qua, vấn đề tự chủ không chỉ ở y tế mà giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn, điển hình là hai bệnh viện lớn là Bạch Mai, Bẹnh viện K đã phải xin thôi tự chủ toàn diện. Vậy thời gian tới, Quốc hội sẽ có giải pháp nào để gỡ khó cho các đơn vị này trong khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh dự kiến được thông qua tại kỳ họp này đã phải lùi đến kỳ họp sau.

Trả lời, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh các ý kiến phát biểu về cơ chế tài chính thì các ý kiến chưa đồng thuận cao, trong đó có vấn đề về tự chủ bệnh viện, đây là vấn đề mới phát sinh trong quá trình kỳ họp 4. Và Chính phủ trong tờ trình về luật này cũng không đề cập được vấn đề tự chủ bệnh viện.

Vì đây là vấn đề lớn, rất mới nên Ủy ban Xã hội chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thêm thời gian để có thể có sự đồng thuận và xin trình lại sau kỳ họp thứ 4.

Liên quan đến tài chính,  ông Mai cho biết còn một số nội dung như giá khám bệnh, chữa bệnh, phương thức định giá, cơ chế xã hội hóa... đều là vấn đề rất lớn, cần tiếp tục xin ý kiến các cơ quan để có sự đồng thuận.

Một vấn đề khác được phóng viên đặt câu hỏi là đầu năm nay Quốc hội đã phải họp bất thường để quyết định gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng tiến độ giải ngân nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2% rất chậm, trong khi doanh nghiệp được cho là rất khát vốn. Bên cạnh đó, ba chương trình mục tiêu quốc gia cũng giải ngân rất thấp, trong bối cảnh ấy, lại xuất hiện tình trạng nhiều nơi xin “trả lại” kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương và xu hướng này ngày càng gia tăng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần phải bổ sung chế tài đối với các trường hợp trả lại vốn kế hoạch hằng năm, vậy Quốc hội có chế tài gì mạnh hơn để sử dụng hiệu quả hơn tiền thuế của dân?

Tuy nhiên, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách không có câu trả lời thẳng vào câu hỏi này. Ông Lâm có nêu nguyên nhân giải ngân đầu tư công giải ngân chậm so với yêu cầu, do giải phóng mặt bằng rất khó khăn, đặc biệt là khi Quốc hội đang xem xét sửa Luật Đất đai, người có đất có tâm lý chờ sửa luật. Và nguyên nhân dẫn đến chậm nữa là thủ tục đấu thầu dự án mất nhiều thời gian.

Tin liên quan
Tin khác