Dự kiến đến ngày 31/12/2021, so với GDP ước thực hiện, dư nợ công bằng khoảng 44-45%, dư nợ Chính phủ khoảng 39-40%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia bằng khoảng 38-39%.
Đó là những con số được Bộ Tài chính ước tính trong báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, phục vụ thẩm tra về tình hình kinh tế, xã hội năm 2021, kế hoạch 2022.
Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 cũng là nội dung sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng 12/10, trong phiên họp thứ tư.
Theo báo cáo, sự tái bùng phát của dịch Covid-19 đã gây áp lực lớn đối với công tác quản lý, điều hành tài chính – NSNN trong những tháng còn lại của năm 2021.
Với giả định dịch bệnh Covid-19 được tập trung kiểm soát từ đầu quý IV năm 2021, Bộ tính toán ước thu NSNN cả năm đạt khoảng 1.365,5 nghìn tỷ đồng, vượt 22,2 nghìn tỷ đồng (+1,7%) so dự toán, giảm 9,4% so thực hiện năm 2020.
Trong đó: thu nội địa giảm 300 tỷ đồng so dự toán, giảm 12,2% so với thực hiện năm 2020; thu từ dầu thô vượt 12 nghìn tỷ đồng (+51,7%) so dự toán, tăng 1,7% so thực hiện năm 2020; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 10,5 nghìn tỷ đồng (+5,9%) so dự toán, tăng 6,5% so thực hiện năm 2020. Tỷ lệ huy động vào NSNN cả năm ước đạt khoảng 16,1%GDP, từ thuế, phí đạt khoảng 13,2%GDP.
Ước thực hiện chi cả năm đạt 1.709,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2 nghìn tỷ đồng (+1,3%) so dự toán; trong đó: giải ngân vốn đầu tư ước đạt 64,1% kế hoạch; chi trả nợ lãi giảm 3,8% so dự toán; chi thường xuyên tăng 2,2% so dự toán để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành, đảm bảo an sinh xã hội.
Bội chi NSNN năm 2021 ước bằng dự toán 343,67 nghìn tỷ đồng, bằng 4%GDP ước thực hiện. (Quy mô GDP kế hoạch theo giá hiện hành là 8.600 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện là khoảng 8.490 nghìn tỷ đồng).
Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, theo báo cáo, năm 2021, dự toán thu hồi vốn của NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế là 40 nghìn tỷ đồng. Do tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm, thực hiện 8 tháng chưa phát sinh thu vào ngân sách Trung ương. Ước thực hiện cả năm thu ngân sách Trung ương đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng, giảm 39 nghìn tỷ đồng (-97,5%) so dự toán.
Nhắc đến con số này tại phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, một số vị đại biểu cho rằng cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chậm đã là "bệnh nặng", năm nào báo cáo của Chính phủ cũng nhắc tới, song "thuốc chữa" thì chưa có.
Bên cạnh thu từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước hiện rất khó khăn, làm giảm thu NSNN, Bộ Tài chính còn nêu hạn chế không mới, đó là tổng số tiền nợ thuế vẫn còn ở mức cao. Tổng số tiền nợ thuế đến cuối tháng 8/2021 là 114.188 tỷ đồng, mặc dù giảm 5% cùng kỳ năm 2020, nhưng tăng 20% so với thời điểm ngày 31/12/2020.
Tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, nhất là quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng còn phức tạp, theo đánh giá của Bộ.
Báo cáo cũng dự kiến một số mục tiêu chính của năm 2022 như dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7%GDP.
Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng Trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm gần 29%, tỷ trọng chi thường xuyên dưới 63% tổng chi NSNN.
Mức bội chi là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 4%GDP (bằng tỷ lệ bội chi năm 2021).
Tổng nhu cầu huy động của Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc khoảng 545 nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 44-45%GDP.