Quốc tế
Bộ Thương mại Mỹ: Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 cao hơn nhiều so với ước tính
Đông Phong - 30/06/2023 13:08
Nền kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng 2% trong quý I/2023, cao nhiều hơn so với ước tính 1,3%, Bộ Thương mại nêu trong báo cáo cập nhật công bố ngày 29/6.
Xuất khẩu của Mỹ tăng 7,8% trong quý I/2023 sau mức giảm 3,7% vào quý IV/2022. Ảnh: AFP

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2023 đã tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính trước đó là 1,3% và cao hơn mức dự báo đồng thuận của Dow Jones là 1,4%. Đây là lần ước tính tăng trưởng lần thứ ba và cũng là lần ước tính cuối cùng cho GDP quý I của Mỹ. Trong quý IV/2022, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,6%.

Động thái điều chỉnh trên của Bộ Thương mại Mỹ được cho là giúp giảm bớt những kỳ vọng rằng nền kinh tế này đang đi đến một cuộc suy thoái.

Một báo cáo kinh tế riêng biệt được công bố cùng ngày 29/6 cho thấy tình trạng sa thải lao động ở Mỹ thấp hơn kỳ vọng, cho thấy sức mạnh thị trường lao động đã được duy trì ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã thực hiện 10 đợt tăng lãi suất với tổng cộng 5 điểm phần trăm.

Theo một báo cáo tóm tắt từ Cơ quan Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, sự điều chỉnh tăng trưởng trên phần lớn là do cả chi tiêu của người tiêu dùng và xuất khẩu đều mạnh hơn so với ước tính trước đây.

Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, được đo bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), đã tăng 4,2% trong quý I/2023, đánh dấu tốc độ tăng hàng quý cao nhất kể từ quý II/2021. Đồng thời, xuất khẩu của nước này đã tăng 7,8% trong quý I sau khi giảm 3,7% trong quý IV/2022.

Ông Scott Hoyt, giám đốc cấp cao tại Moody's Analytics, cho biết mức tăng 8,7% trong điều chỉnh chi phí sinh hoạt có khả năng làm tăng số lượng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.

"Tuy nhiên, nhìn chung, nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi đáng kể và khả năng xảy ra suy thoái bắt đầu từ năm nay đang giảm dần. Nhưng bến đỗ an toàn vẫn còn xa", ông Scott Hoyt nói.

Cùng với thông tin điều chỉnh tăng trưởng, thị trường cũng đón thêm tin tốt về lạm phát Mỹ. Cụ thể, chỉ số PCE lõi, không gồm giá cả năng lượng thực phẩm và năng lượng, đã tăng 4,9% trong quý I, điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm.

Chỉ số PCE, thước đo lạm phát ưa dùng của Fed, luôn được các quan chức của cơ quan này theo dõi chặt chẽ nhất. Thông qua một loạt các đợt tăng lãi suất, Fed đang cố gắng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Việc tăng lãi suất nhằm kìm hãm nền kinh tế vào mùa hè năm 2022 đã khiến lạm phát Mỹ leo thang lên mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.

Mối quan tâm chính của Fed hiện nay là thị trường lao động. Thị trường lao động Mỹ hiện có khoảng 1,7 vị trí việc làm cho mỗi lao động có sẵn và tình trạng khan hiếm lao động đã dẫn đến việc tăng lương nhìn chung không theo kịp lạm phát.

Trong khi đó, một báo cáo riêng của Bộ Lao động Mỹ chỉ ra rằng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã giảm xuống còn 239.000 trong tuần kết thúc vào ngày 24/6, giảm 26.000 đơn so với tuần trước đó và thấp hơn nhiều so với ước tính là 264.000 đơn.

Tin liên quan
Tin khác