Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. |
Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 23, sáng ngày 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Một trong các hạn chế được cả Ủy ban Tài chính Ngân sách và một số vị uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh tại phiên thảo luận là lãng phí trong đầu tư công, trong đó có triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo cơ quan thẩm tra, lãng phí trong triển khai 3 Chương trình này được chỉ ra tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban năm 2021 chưa được khắc phục, việc triển khai rất chậm, nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình.
Đến tháng 10/2022, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương và đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục phân bổ vốn, giao dự toán, phê duyệt kế hoạch chi tiết, thẩm định dự toán để tổ chức thực hiện. Tỷ lệ giải ngân rất thấp, ước đạt 7,88% với tổng kính phí là 1.041,195 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn các địa phương tự cân đối là 1.028,8 tỷ đồng, vốn NSTW là 12,395 tỷ đồng).
“Về nội dung chương trình mục tiêu quốc gia cũng rất vướng, bây giờ đang cãi nhau việc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách 40 triệu một hộ gia đình thì thuộc đầu tư công hay thuộc chi thường xuyên”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình cuối phiên thảo luận.
Người đứng đầu ngành tài chính nói rõ quan điểm của ông, cho rằng đây là một khoản hỗ trợ của ngân sách, là khoản chi thường xuyên từ ngân sách để hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân chứ không phải chi đầu tư công.
“Nếu chi đầu tư công thì phải có chủ đầu tư, phải có lập dự án. Làm nhà cho các hộ dân ai lập dự án, ai tổ chức thi công, ai tổ chức đấu thầu, cho nên cũng vướng”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, song song với quá trình điều hành thì vấn đề hoàn thiện pháp luật hết sức quan trọng.
“Về chương trình mục tiêu quốc gia, chúng tôi hướng dẫn nội dung chi tiêu, còn lại phân bổ một cục về cho các tỉnh tổ chức làm, sau đấy kiểm tra. Nếu trên này phân bổ từng hạng mục, từng dự án, từng nội dung cụ thể thì không thể làm được. Người lớn thì làm việc nhỏ, người nhỏ làm việc lớn thì rất khó”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Liên quan đến tiến độ giải ngân đầu tư công được cho là rất chậm, ông Phớc nhấn mạnh: “Chậm ở đây thì nhiều nguyên nhân lắm, từ nguyên nhân điều hành, nhưng cũng có một nguyên nhân rất quan trọng là quy định pháp luật. Quy định của Luật Đầu tư công quy định có tiền thì mới được lập dự án, nhưng lập dự án rồi thì mới được phân bổ tiền, cho nên bị vướng. Ví dụ, một công trình trọng điểm của chúng tôi nằm trong cChương trình phục hồi mà Quốc hội đã có nghị quyết phân bổ làm trụ sở của Hải quan sân bay Long Thành, nhưng đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo vốn, vì chưa lập được dự án, lập được dự án thì phải có tiền, cho nên cứ vướng đi, vướng lại như vậy”.
Cũng giải trình về đầu tư công, liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ đã khẩn trương bắt tay vào sửa đổi 2 nghị định liên quan đến điều hành thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ nhất là Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, sửa đổi 18 điều và đã trình Chính phủ để sửa đổi vào ngày 26/4 vừa qua.
“Chiều nay, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ chủ trì họp để thống nhất sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 27”, ông Trung cho biết.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung phát biểu tại phiên họp. |
Thứ hai là, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo Thứ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình từ tháng 12/2021 và tháng 9/2022 thì Chính phủ có yêu cầu thống nhất làm lại một số vấn đề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cam kết trong tháng 5 sẽ trình để sửa đổi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ông Trung cho biết.
Về đầu tư công, ông Trung nói, trong năm 2023, vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư công tăng khoảng 25% so với năm 2022, với tổng số vốn khoảng 711.000 tỷ đồng. Quốc hội đã thống nhất, quyết nghị và cho Chính phủ giao chi tiết 707.000 tỷ đồng, còn lại 4.000 tỷ đồng thì Chính phủ đã trình Quốc hội để giao nốt. Đến nay, đã giao tổng cộng được khoảng hơn 90% tổng số vốn Quốc hội đã quyết nghị, giải ngân đã đạt được tổng số khoảng gần 16%, số tuyệt đối thấp hơn so với năm ngoái nhưng số tương đối cao hơn khoảng 15.000 tỷ đồng.
“Theo chu kỳ của đầu tư công thì những tháng đầu năm là những tháng tập trung giải quyết các khối lượng của năm ngoái để thúc đẩy giải ngân các dự án đã hoàn thiện, hoàn thành thủ tục và khởi công, khởi động thủ tục các dự án mới, cho nên thông thường những tháng đầu năm giải ngân thấp hơn. Chính phủ đã lập rất nhiều đoàn công tác và giao cho các thành viên Chính phủ đi đôn đốc cụ thể từng địa phương, cũng có nhiều giải pháp, trong đấy có giải pháp về đầu tư công để làm sao thúc đẩy giải ngân được nhiều hơn, nhanh hơn để hỗ trợ cho nền kinh tế”, Thứ trưởng hồi âm ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.