Năm vừa qua chúng ta thấy nổi lên nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Xin Bộ trưởng hãy chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Nông nghiệp xanh là xu thế không đảo ngược lại. Chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế bà con nông dân mình đã thích ứng được. Ví dụ ở Tứ Kỳ, Hải Dương, ba tầng giá trị tồn tại trên một mảnh ruộng, là lúa, rươi, cáy. Thậm chí người nông dân nói là họ bán rươi nhiều hơn bán lúa. Nhưng lúa ở đây không cần kiểm nghiệm cũng biết là hữu cơ, đơn giản vì chỉ cần bỏ thuốc hóa học vào, là con rươi, con cáy không thể sống được.
Mô hình lúa - tôm của Bạc Liêu cũng như vậy. Con tôm ăn hạt lúa rơi rụng, còn cây lúa lớn lên nhờ chất thải của con tôm, cả 2 ngành cùng nâng đỡ lẫn nhau. Hay như mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở Tây Nguyên cũng vậy. Từ nông trại cà phê, cây ăn quả, thay vì đốt phụ phẩm dẫn đến phát tán hiệu ứng khí nhà kính, bà con đem tái chế, băm nhỏ tạo thành phân sinh học bón cho cây trồng.
Mô hình lúa-tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. |
Thế giới đang tiếp cận nền nông nghiệp theo hướng “less is more” ít hơn để được nhiều hơn, đó là vấn đề nông nghiệp thuận theo tự nhiên. Ngày nay, người tiêu dùng thế giới không mua nông sản nữa đâu, họ mua cách chúng ta trồng chọt, chăn nuôi ra nông sản đó. Người ta truy suất nguồn gốc xem quá trình sản xuất có gây ô nhiễm môi trường, ảnh hướng đến sức khỏe cộng đồng, hay gây suy giảm đa dạng sinh học không?
Một số nước đã chuyển sang nông nghiệp hữu cơ, nhưng sau phải từ bỏ, vì năng suất bước đầu suy giảm, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Việt Nam đang chứng minh rằng mình có thể làm được và chúng ta cũng không còn con đường nào khác. Bởi 80% những nông sản trên kệ hàng của châu Âu bây giờ là hàng hóa gắn nhãn sản phẩm sinh thái.
Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi chúng ta càng khó khăn hơn nữa. Ngoài ra, càng về sau chi phí cho sự thay đổi ngày càng cao, ai đi trước rõ ràng sẽ được quốc tế tài trợ nhiều hơn. Chúng ta thường cân nhắc nhiều tới cái giá phải trả để thay đổi nhưng ít khi chúng ta cân nhắc tới cái giá phải trả nếu không chịu thay đổi. Với một thị trường ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi về môi trường nhiều hơn, nông nghiệp xanh là xu hướng không thể tránh khỏi.
Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về cơ hội và thách thức trong năm 2024 với ngành nông nghiệp Việt Nam?
Thời đại này là thời đại VUCA, từ tiếng Anh viết tắt để chỉ sự bất định, biến động, phức tạp và mơ hồ. Thế giới này nó là một chuỗi mãi mãi như vậy, đan xen giữa vấn đề kinh tế và vấn đề địa chính trị. Chỉ có một điều chắc chắn là thị trường càng ngày càng khó khăn hơn. Thành ra trong bối cảnh khó đó, chúng ta phải tìm một không gian phát triển mới, đừng chỉ nghĩ bán hạt lúa, bán xoài, thanh long, sầu riêng nữa mà phải mở tư duy ra, làm sao để cái khó ló cái khôn chứ đừng để cái khó bó cái khôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan. |
Năm vừa qua, người ta nói nông dân trồng lúa thu nhập cao, nhưng nếu so với người Tứ Kỳ, Hải Dương trồng lúa-rươi, lúa chỉ là phụ, thu từ rươi là chính, nhưng không có lúa thì không có rươi. Người Bạc Liêu, Sóc Trăng giờ cũng thu từ bán tôm nhiều hơn bán lúa. Hay tôi lên Mù Cang Chải (Nghĩa Lộ, Yên Bái), gặp một chị người Thái nói rằng trồng lúa chủ yếu để làm homestay cho khách trải nghiệm thôi, còn bán được bao nhiêu thì bán.
Chúng ta cần tư duy lại, ngành nghề nông thôn còn rất nhiều, thu nhập của người nông dân không nên chỉ dựa trên nông sản họ tạo ra. Nông nghiệp bây giờ phải là nông nghiệp tích hợp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp du lịch,…chỉ khi nào chúng ta mở không gian tư duy ra thì không gian giá trị sẽ mở ra.
Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp sẽ ở đâu trong quá trình ngành nông nghiệp tiến đến phát triển xanh, phát triển bền vững?
Vai trò của doanh nghiệp là vai trò dẫn dắt một chuỗi ngành hàng. Không có doanh nghiệp thì không có thị trường. Như chúng ta trồng lúa, nếu không có doanh nghiệp thì lúa sản xuất ra 100 triệu dân tự ăn với nhau thôi. Doanh nghiệp có thông tin về thị trường, về quy chuẩn, hiểu được tín hiệu của thị trường, từ đó làm cầu nối để đưa sản phẩm của người nông dân ra thị trường quốc tế. Có khi doanh nghiệp, thương lái nói người nông dân sẽ nghe, chứ chưa chắc họ nghe Bộ trưởng, vì doanh nghiệp mới là người tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Nhưng nếu doanh nghiệp chỉ dừng lại ở tư duy mua bán thì không được, đó phải là tư duy liên kết hợp tác với người nông dân. Việc đồng hành, hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân phải được diễn ra thường xuyên, liên tục chứ doanh nghiệp không thể chờ đến mùa vụ mới xuống đồng để thu gom nông sản. Các cụ có câu “sữa để em thơ, lụa tặng già”, thấy gia đình người ta khó khăn thì doanh nghiệp xuống thăm hỏi, động viên, lâu dần hình thành mối liên kết dựa trên cảm xúc. Khi đó tới mùa vụ, người nông dân không nỡ lòng nào bội tín doanh nghiệp để bán lúa cho thương lái với giá cao hơn.
Bỏ tư duy mua bán, hướng tới tư duy hợp tác mới có thể tạo sự phát triển bền vững. Bởi suy cho cùng, tôi hay nói với doanh nghiệp, dù doanh nghiệp khó mấy thì người nông dân vẫn là người khó hơn. Trong nền kinh tế này, người nông dân luôn luôn là người yếu thế nhất trong xã hội, hãy tôn trọng và trân trọng người nông dân, chứ đừng dùng tư duy mua bán với họ, vậy không có lâu bền đâu.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng.