Thị trường tài chính vẫn chưa thực sự khởi sắc, trong khi giá trị doanh nghiệp của Vietnam Airlines lên đến gần 2,75 tỷ USD. Ông có nghĩ rằng, CPH Vietnam Airlines sẽ thực hiện được?
Không phải là nghĩ, mà tôi tin chắc rằng, CPH Vietnam Airlines (VNA) sẽ thành công nếu như việc chuyển đổi sở hữu được thực hiện như CPH các ngân hàng thương mại.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng |
Cụ thể, CPH VNA được thực hiện như thế nào?
Theo kế hoạch, Nhà nước giữ 75% vốn tại VNA, 25% số vốn được bán ra theo các quy định hiện hành về CPH.
Trong điều kiện thị trường tài chính chưa thuận lợi như hiện nay, trước mắt, có thể bán 2-3% hoặc cao hơn, tùy thuộc vào tình hình thị trường và sự đón nhận của nhà đầu tư.
Bán 2-3% cổ phần chắc không có gì là khó. Điều này cũng đã từng được thực hiện khi CPH các ngân hàng thương mại nhà nước, lúc đầu cũng chỉ bán 4-5% cổ phần, sau đó, khi có điều kiện thì bán tiếp.
Khi chuyển thành công ty cổ phần, VNA sẽ “lột xác” hoàn toàn trong quản trị điều hành, hoạt động kinh doanh được giám sát chặt chẽ bởi cổ đông, mọi hoạt động đều được công khai, minh bạch như tất cả các công ty đại chúng khác. Khi đó, cổ phiếu của VNA sẽ trở nên hấp dẫn hơn, nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn, nên việc bán tiếp số cổ phần trong trường hợp chưa bán hết chắc không khó.
Còn nếu cứ chờ khi thị trường tài chính ấm lên mới CPH thì còn rất lâu nữa mới chuyển hãng hàng không quốc gia này thành công ty cổ phần được.
Một trong những mục tiêu CPH là tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài. Thị trường hàng không Việt Nam chưa thực sự phát triển, liệu có tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài không, thưa ông?
Nếu cứ chờ tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài mới tiến hành CPH, thì còn lâu mới chuyển đổi sở hữu được VNA. Vì vậy, nếu chưa tìm được cổ đông chiến lược nước ngoài, thì cứ CPH trước, VNA kinh doanh hiệu quả hơn thì tự khắc nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm.
Với 90 triệu dân mà chỉ có vài hãng hàng không khai thác, có thể nói, thị trường hàng không Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn, nên việc tìm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hoàn toàn khả thi. Bởi khi bỏ vốn vào đâu, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ nhìn vào thực lực của doanh nghiệp, mà còn nhìn vào cả tương lai phát triển của doanh nghiệp.
Nói thị trường hàng không Việt Nam hấp dẫn liệu có chính xác không khi đã có 4/5 hãng hàng không tư nhân “chết yểu”?
Đầu tư vào lĩnh vực hàng không đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và ban quản trị doanh nghiệp phải có nhiều kinh nghiệm. Tôi không bình luận về nguyên nhân vì sao các hãng hàng không tư nhân Việt Nam phải đóng cửa, nhưng với 90 triệu dân, trong khi thu nhập của người dân mỗi năm một tăng, nhu cầu đi lại bằng máy bay sẽ tăng, hiện mới chỉ có vài hãng hàng không khai thác các tuyến bay nội địa, nên có thể khẳng định, thị trường hàng không Việt Nam còn có rất nhiều tiềm năng.
Nhìn thấy 2 điểm mấu chốt này, nên nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn vào VNA - một doanh nghiệp có bề dày truyền thống, có kinh nghiệm, có thương hiệu - thay vì thành lập một hãng hàng không mới.
Bộ Giao thông - Vận tải được Chính phủ đánh giá rất cao về quyết tâm CPH. Năm nay, Bộ quyết tâm chuyển đổi sở hữu 11 doanh nghiệp lớn. Tiến trình CPH các doanh nghiệp này đến đâu rồi, thưa ông?
Chưa hết quý I, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án CPH 11 công ty mẹ của 11 tổng công ty thuộc Bộ Giao thông - Vận tải. Riêng đối với VNA - đơn vị cuối cùng chưa phê duyệt phương án CPH thì tôi vừa ký xác nhận giá trị doanh nghiệp, bước khởi đầu quan trọng để thực hiện CPH, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đối với doanh nghiệp này cũng như 10 doanh nghiệp khác được CPH trong năm nay.
Chúng tôi đặt ra mục tiêu CPH đúng là có cao hơn một chút để làm mục tiêu phấn đấu, nhưng vẫn dựa trên thực lực và tính toán tất cả các yếu tố khó khăn cũng như thuận lợi, nên chắc chắn sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Và để thực hiện đúng tiến độ đã đề ra, ông từng nhiều lần tuyên bố sẽ kỷ luật, chuyển công tác đối với chủ tịch HĐQT, hội đồng thành viên, tổng giám đốc doanh nghiệp chậm tiến độ. Đến nay, ông đã kỷ luật, chuyển công tác ai chưa?
Phải nói lại cho rõ là không phải cá nhân tôi, mà Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông - Vận tải ra nghị quyết, nếu đơn vị không CPH đúng tiến độ thì chủ tịch HĐQT hội đồng thành viên, tổng giám đốc sẽ bị chuyển đi làm công tác khác.
Nếu đã coi CPH là nhiệm vụ, thì khi không hoàn thành CPH tức là không hoàn thành nhiệm vụ, Khi đó, việc chuyển lãnh đạo đi nơi khác là xử lý đúng theo Luật Cán bộ, công chức. Tiến trình CPH doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông - Vận tải đang diễn ra đúng kế hoạch.
Hy vọng, khi kết thúc thời điểm CPH (cuối năm 2014 và 2015), tôi không phải xử lý, kỷ luật, điều chuyển công tác đối với bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào.
Mạnh Bôn