Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình ý kiến đại biểu. |
Giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 14/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khái quát, qua theo dõi tổng hợp 2 phiên thảo luận tại tổ (3/11) và thảo luận tại hội trường cho thấy, tài chính và định giá đất là vấn đề được quan tâm số 1 của các đại biểu.
"Có tới 16 trong tổng số 45 đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hôm nay nói về nội dung này, chiếm 1/3 thời lượng", ông Hà thống kê.
Theo Bộ trưởng thì tài chính đất đai là vấn đề hết sức quan trọng. Đây là 1 trong 2 công cụ để thực hiện quản lý Nhà nước cũng như quyền đại diện cho chủ sỡ hữu toàn dân, bao gồm việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai, đưa nguồn lực này vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ về giá trị tài chính…
"Định giá đất là vấn đề then chốt của mọi vấn đề", nhấn mạnh điều này Bộ trưởng cho biết hiện nay có 5 phương pháp định giá đất song "giá vẫn sai", có thể do đầu vào không đúng.
Bộ trưởng giải thích, thực tế các phương pháp đều phải lấy dữ liệu, dữ liệu đó là đầu vào, là giá cả, thông tin bất động sản và những thông tin khác. Do đó, hướng sắp tới là vẫn kết hợp cả 5 phương pháp nhưng về lâu dài là một phương pháp trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất.
"Khi chúng ta có đầy đủ giá theo thị trường thì chúng ta có phương pháp xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, từ đó xác định giá đất khắc phục được bất cập hiện nay", ông Hà khẳng định.
Vẫn theo Bộ trưởng thì từ giá đất này sẽ thực hiện nhiều việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể và công khai giá đất cụ thể. Người dân có thể hoàn toàn thông qua cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính, số hóa đất đai và việc công khai để tiếp cận.
"Sau này, khi làm được điều này thì đây là giá ai cũng biết, và chúng ta không thể can thiệp vì đó là giá thị trường. Tất nhiên phải đưa ra điều kiện là người dân tự nguyện đăng ký. Cần có chế định đăng ký để người phải khai bằng giá thật, không lấy giá hợp đồng để bắt người dân đóng thuế khi giao dịch đất đai", ông Hà trình bày trước Quốc hội.
Vị Trưởng ban Soạn thảo dự án luật cũng nhấn mạnh, vấn đề tài chính đất đai nếu giải quyết được cũng sẽ tránh được lãng phí, đầu cơ, thổi giá; điều tiết hài hòa mối quan hệ hợp tác giữa các bên.
Liên quan tới quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng - vấn đề được tranh luận sôi nổi tại phiên thảo luận, ông Hà cho rằng, việc nhà nước thu hồi để đấu thầu, đấu giá có nhiều lợi ích là đảm bảo công bằng, đảm bảo chính sách đền bù, đảo bảo điều tiết chênh lệch địa tô. "Bởi vì những khu vực này chắc chắn là chúng ta chuyển mục đích, giá trị sẽ tăng lên, nhà nước phải quản lý. Quan trọng nhất ở đây là hài hòa lợi ích của người dân, nhà nước và doanh nghiệp", ông Hà nêu.
Về cơ chế thoả thuận, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định hiện không hạn chế với đất không chuyển đổi mục đích sử dụng. Nhà nước chỉ can thiệp để đảm bảo chính sách về giá, bảo đảm lợi ích cho người dân phải công bằng, minh bạch.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng thêm một lần thừa nhận việc khó khăn nhất là làm sao xác định điều kiện, tiêu chí, do đó sắp tới sẽ tiếp tục nghiên cứu và hy vọng các đại biểu Quốc hội “hiến kế” để lượng hoá các tiêu chí cụ thể về thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất.
Hồi âm băn khoăn của đại biểu về quy hoạch, Bộ trưởng Hà cho biết quy hoạch đất đai sẽ gắn với giao thông, bởi giá trị đất tăng thường gắn với giao thông, ý tưởng quy hoạch.
“Không kỳ vọng quy hoạch đất đai thay thế tất cả, nhưng sẽ tạo khung quản lý đối tượng cần bảo tồn, bảo vệ như khu vực di sản, đất lúa hai vụ, hạ tầng giao thông cứng. Còn khu vực “động” như khu đô thị, thương mại, dịch vụ thì cố gắng tận dụng phát triển” - ông nói.