Mô hình dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. |
Ước tính tổng mức đầu tư sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ phải trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự án có tổng chiều dài gần 113km, đi qua địa phận thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng. Toàn bộ dự án được chia thành 7 dự án thành phần.
Tại báo cáo, Chính phủ cho biết các địa phương đã hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 6/7 dự án thành phần, bao gồm 3 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành.
Tổng diện tích đất chiếm dụng của toàn bộ dự án là gần 1.400ha, với khoảng hơn 25.000 hộ dân bị ảnh hưởng, chủ yếu là Hà Nội (gần 13.000 hộ). Để thực hiện dự án, tổng diện tích đất đã thu hồi là hơn 1.200ha (đạt 86,5%).
Hà Nội dự kiến xây dựng 13 khu tái định cư với diện tích hơn 39ha, phục vụ nhu cầu tái định cư 869 hộ. Tỉnh Hưng Yên sử dụng nguồn ngân sách riêng của địa phương để xây 11 khu tái định cư với diện tích gần 50ha, còn Bắc Ninh cũng dùng nguồn ngân sách riêng để xây dựng 12 khu tái định cư với diện tích khoảng 50ha.
Quá trình thực hiện dự án, theo Chính phủ đã có một số thay đổi. Cụ thể, nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội nêu rõ tổng diện tích thu hồi đất khoảng 1.341ha nhưng thực tế triển khai đã tăng 56 ha, nâng tổng diện tích thu hồi đất lên 1.397ha.
Về tổng mức đầu tư, Quốc hội quyết định sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, khoảng 85.813 tỷ đồng.
Chính phủ cho hay, kết quả phê duyệt các dự án thành phần cho thấy tổng mức đầu tư khoảng 84.320 tỷ đồng (thấp hơn sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56 của Quốc hội).
Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế, ước tính tổng mức đầu tư của Dự án sẽ tăng thêm khoảng 2.881 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết của Quốc hội, nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư công, khi tăng tổng mức đầu tư dự án thì phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Báo cáo nêu rõ, sau khi hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần, các địa phương sẽ rà soát kỹ, xác định chính xác tổng mức đầu tư theo đúng quy định.
Trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án vượt sơ bộ tổng mức đầu tư theo chủ trương được Quốc hội phê duyệt, UBND Thành phố Hà Nội sẽ chủ trì, tổng hợp hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
Chính phủ cũng nêu khó khăn về giải phóng mặt bằng khi hầu hết 86,5% diện tích đất đã được giải phóng thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Phần còn lại chưa làm được chủ yếu thuộc khu vực đất ở của các hộ gia đình, đất liên quan đến tín ngưỡng, đất liên quan đến các cơ quan, tổ chức… nên khó khăn trong vận động người dân bàn giao.
Dù tỷ lệ mặt bằng đã bàn giao khá lớn, tuy nhiên còn có hiện tượng xôi đỗ, khó khăn trong việc triển khai thi công đồng loạt, Chính phủ nhìn nhận.
Đáng chú ý là Dự án thành phần 3 triển khai theo phương thức PPP. Quá trình triển khai phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định hiện hành, cần được điều chỉnh hoặc hướng dẫn làm rõ để tạo hành lang pháp lý, làm cơ sở tổ chức thực hiện đúng quy định.
Theo tiến độ dự kiến, đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.