Doanh nghiệp
Bốn nguyên tắc cho chiến lược mục tiêu cao
Việt Nga - 26/08/2013 22:12
Đề ra mục tiêu cao được xem là một cách để kích thích nỗ lực cao độ của tất cả mọi người trong doanh nghiệp.
Mục tiêu cao là động lực thôi thúc mọi người không ngừng phấn đấu, đồng thời phát huy trí sáng tạo
còn tiềm ẩn trong tập thể

1. Nguyên tắc về khát vọng

Mỗi người đều có những khát vọng cá nhân và mong muốn nổi trội về mặt nào đó. Khát vọng của chúng ta thường gắn với những công việc thực hiện theo nhóm, tổ chức hay cộng đồng.

Để kích thích khát khao của tập thể hoặc để thôi thúc mọi người phấn đấu hết lòng với công việc, cần phải đề ra những thang bậc, mục tiêu rõ ràng và theo hướng cao hơn.

Việc đề ra mục tiêu cao là một cách để kích thích nỗ lực cao độ của cả tập thể lẫn từng nhân viên.

2. Nguyên tắc đòn bẩy

Đối với những mục tiêu cao, cần tính toán kỹ lưỡng mối tương quan giữa khát vọng và tham vọng của doanh nghiệp với năng lực và nguồn lực hiện tại của doanh nghiệp.

Điều đó có nghĩa rằng, để đạt được mục tiêu, cần phải học cách phát huy tối đa những gì mình có. Một trong những chức năng của người lãnh đạo là giúp mọi người thực hiện điều đó.

Việc này không chỉ chuyển hóa nhiều hơn các nguồn lực vật chất, mà còn phát huy trí sáng tạo còn tiềm ẩn trong tập thể.

3. Nguyên tắc hội tụ

Sự đồng thuận và phối hợp trong công việc sẽ tạo khả năng thành công rất lớn. Người Việt từ ngàn xưa đã có câu: “Một cây làm chẳng nên non, trăm cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Để có được “trăm cây”, thì phải làm sao để tất cả mọi người đều tâm huyết với công việc chung của doanh nghiệp, đều mong muốn đóng góp hơn nữa vì thành công chung của doanh nghiệp.

Để trăm cây “chụm lại”, tức là đảm bảo cho sự “hội tụ” trong doanh nghiệp, thì vai trò của người lãnh đạo là vô cùng to lớn.

4. Nguyên tắc tập trung

Đâu là một hoặc hai mục tiêu cần được tập trung? Trong cuốn sách The Effective Executive, tác giả Peter Drucker đã nhấn mạnh rằng, nguyên tắc quan trọng nhất trong hoạt động của con người là tập trung.

Kinh nghiệm cũng cho thấy, cần có một hoặc hai mục tiêu dài hạn để định hướng cho tương lai và để đảm bảo cho mọi người và mọi bộ phận trong doanh nghiệp có được kim chỉ nam trong hoạt động.

Nguyên tắc tập trung cũng được được áp dụng để tập trung các nguồn lực vào những mục tiêu chiến lược chủ chốt. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là không nên đề ra những mục tiêu quá lớn và quá xa vời.

Tin liên quan
Tin khác