Ngân hàng
Bóng dáng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng
Hà Tâm - 08/03/2021 08:19
Bóng dáng nhiều tập đoàn BĐS ẩn hiện sau những chiếc ghế nóng ngân hàng vừa đổi chủ cho thấy, mối quan hệ sở hữu giữa các tập đoàn BĐS với ngân hàng vẫn hết sức nhạy cảm, phức tạp.
Để giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định về giới hạn tín dụng.

Chưa chính thức bắt đầu, song mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay được chú ý với những chiếc ghế nóng vừa đổi chủ. Hàng loạt ông chủ đứng sau các tập đoàn bất động sản lớn như Thaiholdings đều gia tăng đầu tư cổ phần nhà băng. 

Trong những báo cáo gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm mạnh.      

Soi chiếu vào các quy định kiểm soát sở hữu chéo hiện nay, có thể thấy, đa phần ngân hàng không còn vi phạm quy định về sở hữu chéo, tức thực hiện theo đúng quy định của NHNN.

Mặc dù vậy, khi trao đổi với Báo Đầu tư, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, sở hữu chéo vẫn là vấn đề cần quan tâm bởi quy định hiện hành chưa giám sát hết các mối quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng với doanh nghiệp sân sau của cổ đông lớn.

Điều dễ nhận thấy, các ngân hàng TMCP tư nhân hiện đều có cổ đông lớn là ông chủ, bà chủ của các tập đoàn bất động sản. Mối lợi của các cổ đông này khi nắm giữ cổ phiếu ngân hàng không phải từ việc tăng giá cổ phiếu, hay khoản cổ tức không mấy hấp dẫn của nhà băng. Rất có thể, lợi ích của các ông chủ, bà chủ tập đoàn bất động sản khi trở thành cổ đông lớn của nhà băng là có thể “bẻ lái” tín dụng đến dự án bất động sản sân sau.

Trên thực tế, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, quan hệ tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giữa ngân hàng với doan nghiệp bất động sản sân sau đều có những liên hệ nhất định. 

Để giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu chéo, Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã quy định về giới hạn tín dụng. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có (dư nợ này đã bao gồm cả trái phiếu do doanh nghiệp phát hành).

Song có thể thấy, quy định trên chưa thể giám sát được hết các quan hệ sở hữu vô cùng phức tạp hiện nay. Lý do là nhiều tập đoàn bất động sản hiện sở hữu hàng trăm công ty con, công ty cháu. Thông qua mạng lưới công ty con, cháu chằng chịt này, một doanh nghiệp rất dễ - vô tình hoặc cố ý vượt hạn mức 15%. Bên cạnh đó, đang xuất hiện các nhóm liên kết mà chủ sở hữu không vi phạm quy định về “người liên quan”, tức ngân hàng có thể cho các nhóm liên kết này vay vượt 25% vốn tự có của mình mà không phạm luật.

Đây cũng là lý do giải thích vì sao, cho dù sở hữu chéo, về mặt danh nghĩa đã giảm đi rất nhiều, song giới chuyên gia vẫn lo ngại về khả năng kiểm soát tín dụng của cổ đông lớn và người liên quan.  

Sở hữu chéo là hiện tượng phổ biến của ngân hàng các nước trên thế giới. Mối quan hệ này - với ngân hàng - vừa có ý nghĩa tích cực, vừa mang có mặt tiêu cực, trong đó đáng ngại nhất là nguy cơ phá vỡ các quy định về an toàn quản trị.

Muốn hạn chế được rủi ro, tiêu cực từ việc ông chủ bất động sản gia tăng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, cơ quan quản lý có thể yêu cầu ngân hàng tách bạch quyền sở hữu và quyền quản trị. Đây là giải pháp lâu dài, đòi hỏi phải có thêm hoặc nâng cao các chuẩn mực về quản trị.

Có lẽ, giải pháp trước mắt là cần yêu cầu ngân hàng công bố thông tin chi tiết hơn, đồng thời trao quyền giám sát nhiều hơn cho thị trường, cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung việc sửa đổi quy định pháp luật về “người liên quan”. Khái niệm “người có liên quan” hiện mới chủ yếu bao gồm quan hệ gia đình và quan hệ sở hữu giữa cổ đông lớn với công ty con. Trong khi trên thực tế, mối quan hệ của “người liên quan” rất đa dạng, không chỉ bao hàm quan hệ gia đình, mà còn là quan hệ sinh tế, quan hệ xã hội…

Tin liên quan
Tin khác