Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thanh toán không tiền mặt nhanh nhất khu vực |
Người dân ngày càng “ngại” giao dịch tại ngân hàng
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB cho hay, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc với các ngân hàng, bởi hiện nay, hầu hết khách hàng không còn muốn giao dịch tại quầy nữa, mà chủ yếu giao dịch online. Năm 2021, kênh số chiếm hơn 92,3% số lượng giao dịch tại MB. Nếu như năm 2019, số lượng khách hàng mới của MB chỉ đạt 1,2 triệu, thì năm 2021, con số này đã tăng đột biến hơn 6 triệu khách hàng khách mới chỉ trong 1 năm.
Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thanh toán không tiền mặt nhanh nhất khu vực, với tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Hiện tại, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho rằng, chính Thông tư 16/2020/TT-NHNN cho phép mở tài khoản eKYC và Thông tư 17/2021/TT-NHNN đã tạo nên bước chuyển lớn cho thị trường, lượng tài khoản mở mới của ngân hàng tăng trưởng ấn tượng ngay cả trong thời điểm giãn cách xã hội.
Hiện nay, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng đang ra sức hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ mở rộng hệ sinh thái, đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các ngân hàng thương mại thu hút khách hàng. Lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng, song cũng đặt ra nhiều thách thức khi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, với sự tham gia của Mobile Money, trung gian thanh toán...
An toàn bảo mật vẫn là nỗi ám ảnh của người dùng
Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng, dự báo tiếp tục phát triển mạnh ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tuy vậy, an ninh, an toàn bảo mật đang là nỗi lo và là rào cản lớn nhất.
Ông Lê Thế Vinh, đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, đi đôi với sự phát triển của thanh toán cũng có những rủi ro, mất an toàn, với số lượng phạm tội ngày càng tăng, phương thức phạm tội ngày càng đổi mới, tinh vi hơn, mang tính có tổ chức hơn và gây ra thiệt hại ngày càng nghiêm trọng hơn. Những vấn đề đó trở thành nguy cơ đe dọa sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường thanh toán số của Việt Nam nói riêng.
“Mặc dù các tổ chức tài chính, ngân hàng luôn là đơn vị đi đầu bảo vệ an toàn thông tin cho hệ thống, cũng như đầu tư các giải pháp, công cụ ngăn chặn rủi ro, mất mát, nhưng thời gian qua, có nhiều ngân hàng đang bị khách hàng khiếu nại liên quan đến giao dịch bất thường mà khách hàng không thực hiện dẫn đến mất tiền trong tài khoản. Các sự vụ này có thể làm giảm niềm tin của khách hàng với hệ thống ngân hàng, dẫn đến nhiều tác động tiêu cực. Các sự cố chủ yếu đến từ nhận thức an toàn thông tin của người dân chưa cao, ví dụ hay click vào đường link lạ, không phân biệt được web sử dụng…”, ông Vinh nhận định.
Theo Kaspersky Việt Nam, rủi ro xảy ra trong giao dịch thanh toán điện tử chủ yếu tới từ phía người dùng cuối chưa có đủ nhận thức về tính an toàn thông tin, tính bảo mật trên các thiết bị của bản thân, cũng như cách họ sử dụng và vận hành không gian mạng. Do đó, nhận thức của người dùng là yếu tố vô cùng quan trọng trong thanh toán điện tử, bởi nếu nhận thức không đủ thì rất dễ rơi vào bẫy của các kẻ gian, dẫn tới việc bị mất tiền, mất thông tin cá nhân.
Nhiều chuyên gia bảo mật cũng cho biết, việc khách hàng dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân đang tạo cơ hội cho tội phạm mạng tấn công. Chính vì vậy, công tác bảo mật hiện nay cần nhắm tới nâng cao nhận thức người dùng, chứ không chỉ tăng bảo mật từ phía đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán.
Theo Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Bộ đã xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang nghiên cứu cơ chế mở, cho phép các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, ví điện tử, Mobile Money, viễn thông... được phép tiếp cận, xác thực với nguồn dữ liệu tin cậy này, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ.
Kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là mong mỏi của các ngân hàng. Ông Lưu Trung Thái cho rằng, việc cho phép các ngân hàng tiếp cận kho dữ liệu gốc này sẽ giúp ngành ngân hàng nâng cao tính bảo mật và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Do đó, Bộ Công an đề nghị các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc khắc phục các lỗ hổng bảo mật hệ thống quản trị tại các máy chủ tại ngân hàng, bên cạnh khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc.