Tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang được đưa vào khai thác sẽ tạo động lực phát triển mới cho Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). Trong ảnh: Một góc Khu kinh tế Vân Phong |
“Chạy đua” hoàn thành dự án
Miền Trung - Tây Nguyên đang vào “mùa” cao điểm thi công các tuyến cao tốc. Trước mốc thời gian phải hoàn thành khá áp lực mà Chính phủ đặt ra, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đều nỗ lực cao độ để cùng với cả nước hiện thực hóa mục tiêu chung là hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu, đầu mối giao thông…
Tại Khánh Hòa, tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang được xác định có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vận tải và hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tuyến đường này có vị trí quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc - Trung - Nam.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay, cao tốc Vân Phong - Nha Trang cơ bản bàn giao xong mặt bằng và sẽ phải hoàn thành trước thời điểm 30/4/2025, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
“Như vậy, sau ngày 30/4/2025, cao tốc từ Phú Yên đi TP.HCM sẽ được thông tuyến, mở ra động lực phát triển mới cho khu vực Khu kinh tế (KKT) Vân Phong và thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa)”, ông Tuân chia sẻ.
Là dự án trọng điểm quốc gia, Dự án Đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ đạo quyết liệt. Tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đang tích cực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư phục vụ quá trình thi công Dự án. “Tinh thần là cuối năm 2026, đầu năm 2027, cao tốc này sẽ hoàn thành. Chỉ còn khoảng 2 năm nữa thôi. Chúng tôi rất quyết tâm”, ông Tuân nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa cho biết, điểm gần nhất của Khu công nghiệp (KCN) Ninh Xuân chỉ cách đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột khoảng 1,8 km.
KCN Ninh Xuân sau khi hình thành dự kiến thu hút hơn 500 dự án, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đường bộ gia tăng. Bên cạnh đó, việc kết nối hạ tầng kỹ thuật KCN này vào tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa KCN với các khu chức năng trong khu vực, tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế. Kinh phí để hoàn chỉnh nút giao đã có trong dự toán, không phát sinh.
Vì vậy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ GTVT đầu tư hoàn chỉnh nút giao liên thông giữa tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Quốc lộ 26 ngay trong giai đoạn I của Dự án, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực thị xã Ninh Hòa nói riêng.
Tại Lâm Đồng, 2 tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương cũng đang được khẩn trương triển khai. Ngày 25/7, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện phát động hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của Dự án.
UBND tỉnh yêu cầu, bản kế hoạch phân công rõ nhiệm vụ, xác định mốc thời gian cụ thể theo từng giai đoạn để khẩn trương triển khai thực hiện Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Cụ thể, giai đoạn I thực hiện trong 140 ngày đêm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn tất thủ tục đầu tư. Giai đoạn 2 gồm 360 ngày đêm tiến hành thi công và thông xe kỹ thuật. Bản kế hoạch này gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước để trình UBND tỉnh ban hành làm cơ sở thực hiện.
Cùng với đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị liên danh các nhà đầu tư đề xuất Dự án khẩn trương, tích cực hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi theo nội dung UBND tỉnh đã thống nhất chỉ đạo thực hiện để trình thẩm định, phê duyệt, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Thúc đẩy liên kết, hợp tác
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, Phú Yên sẽ huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; tạo động lực cho các hoạt động liên kết, hợp tác, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng, khu vực. Hệ thống giao thông sẽ làm động lực kết nối đồng bộ với các KKT ven biển, KCN, khu công nghệ cao và cảng hàng không, cảng biển.
Trong giai đoạn 2024 - 2030, tỉnh Phú Yên dự kiến thực hiện 6 dự án về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng (từ nguồn vốn ngân sách). Theo đó, có 4 dự án được thực hiện tại thị xã Đông Hòa, trong đó có Dự án Tuyến giao thông quan trọng (trục Đông - Tây 5) kết nối KKT Nam Phú Yên - cao tốc Bắc Nam - vùng kinh tế Tây Nguyên, chiều dài 7,7 km, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng Thiết chế công đoàn tại KKT Nam Phú Yên, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng…
- Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên
Đại diện Ban Quản lý KKT Phú Yên cho biết, Ban đang tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, trước mắt ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông đối ngoại quan trọng, khu đô thị trung tâm, đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu tái định cư, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư...
Cùng với hạ tầng giao thông, bản quy hoạch các tỉnh ven biển duyên hải miền Trung còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của hạ tầng logistics. Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đặt mục tiêu phát triển các trung tâm logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô, bến cảng nước sâu Bãi Gốc và cảng cạn ICD Đông Hòa. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm logistics gắn với các đô thị lớn và KCN trên địa bàn tỉnh; xây dựng hạ tầng hỗ trợ vận tải đa phương thức như ga hàng hóa xe lửa, hệ thống đường dẫn, đường kết nối với cao tốc Bắc - Nam...
Đến năm 2030, Phú Yên sẽ phát triển trung tâm logistics tại Đông Hòa và cảng cạn (ICD) phục vụ bến cảng Vũng Rô, bến cảng Bãi Gốc; trung tâm logistics phía Tây TP. Tuy Hòa (trạm trung chuyển); trung tâm logistics Sông Cầu gắn với các KCN.
Trong khi đó, tỉnh Nghệ An đã thu hút nhà đầu tư, hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng cảng chuyên dùng VISSAI có khả năng tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn; cảng xăng dầu DKC có khả năng tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn.
Theo Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An, trong giai đoạn đến năm 2040, UBND tỉnh Nghệ An xác định ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các KCN, gồm VSIP, Nam Cấm, Thọ Lộc, Đông Hồi, Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, nhằm đáp ứng nhu cầu đất công nghiệp; thu hút đầu tư KCN hỗ trợ, phát triển cảng biển kết hợp dịch vụ logistics, hậu cần cảng…
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cho hay, Nghệ An sẽ thúc đẩy xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật cảng biển, trong đó tập trung hoàn chỉnh đầu tư xây dựng cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi; xây dựng mới ga trung chuyển kết hợp cảng cạn Depot - ICD và trung tâm logistics…
Đặc biệt, tỉnh tập trung hoàn thiện tuyến đường ven biển qua KKT Đông Nam Nghệ An; xây dựng mới một số tuyến đường như: tuyến đường nối Quốc lộ 7C-N5 với cảng biển Bắc Cửa Lò; tuyến đường kết nối Quốc lộ 7A - Khu B KCN Thọ Lộc với Quốc lộ 1A; tuyến đường kết nối du lịch hồ Xuân Dương - Đền Cuông - Cửa Hiền; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông khung…
Ông Nguyễn Đức An, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An đánh giá, thời gian qua, lĩnh vực hàng không đã có bước phát triển mới. Số lượng chuyến bay, lượng hành khách và sản lượng hàng hóa qua cảng hàng không Vinh đều tăng trưởng khá. Theo ông An, việc xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay tạo ra một mạng lưới giao thông kết nối, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển các ngành kinh tế du lịch, dịch vụ…, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Còn với Phú Yên, theo chia sẻ của ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, cách thức thực hiện; tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, từng bước hiện thực hóa các định hướng của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Phú Yên cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ chủ trương, đường lối của Đảng và quy định pháp luật.
Về xúc tiến đầu tư, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, Phú Yên sẽ đổi mới toàn diện công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư lớn, chiến lược trong và ngoài nước; giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư, tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để họ tiếp cận, nghiên cứu đầu tư.
“Chúng tôi cam kết đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu và triển khai dự án, tạo các điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật”, ông Tuấn nói.