Thi công Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: A.M |
Những kỷ lục mới
Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến hạn thông tuyến theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (31/12/2022), tại công trường dài 200 km thuộc 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, không khí thi công rất khẩn trương, hối hả.
Cảnh tượng dễ bắt gặp trên đại công trường lúc này là từng đoàn xe tải cỡ lớn chạy rầm rập suốt đêm ngày chở đất đắp, cấp phối và bê tông nhựa cho cả trăm mũi thi công trên suốt tuyến. Xe téc chở dầu chạy liên tục để cấp nhiên liệu cho các máy lu, máy xúc cỡ lớn lúc nào cũng nóng rực vì không có thời gian nghỉ.
Nhịp thi công trên cả hai dự án chỉ chậm lại chút ít bởi những trận mưa như trút giữa mùa khô tại khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Ngay khi nền đường vừa se lại, hàng trăm đầu máy xúc, lu bánh lốp, lu chân cừu lại túa ra bám sau những dây truyền trải cấp phối hoặc bê tông asphalt với nhịp độ khẩn trương, ráo riết hơn nhằm bù lại khoảng thời gian quý giá đã mất.
Cả Ban Quản lý dự án 7 - chủ đầu tư Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Ban Quản lý dự án Thăng Long - chủ đầu tư Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây cùng lực lượng tư vấn giám sát và các nhà thầu đã tung vào công trường những lực lượng tinh nhuệ nhất, bám công trường, chờ đợi thời tiết thuận lợi để dồn ra mặt đường thi công 3 ca 4 kíp.
Tại các gói thầu xây lắp đang là những đường găng tiến độ của cả 2 dự án như Gói thầu số 4, Gói thầu số 1 (Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây); Gói thầu số 3, Gói thầu số 4 (Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết), đích thân Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các doanh nghiệp xây lắp lớn trong ngành giao thông như ông Lương Minh Tường (Phúc Lộc - Cienco8); Bùi Phi Hùng (Cienco6); Thái Trường Giang (Công ty cổ phần Hải Đăng)… thường xuyên bám công trường để trực tiếp đốc chiến.
Ngoài nhiệm vụ duy trì dòng tiền đổ vào các gói thầu đang trong giai đoạn thi công nước rút theo yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), nhiều lãnh đạo cao nhất của nhà thầu còn trực tiếp chăm lo bữa ăn giữa ca trên mặt đường cho công nhân; rút tiền thưởng nóng cho các mũi thi công có tiến độ tốt. Ngoài ý thức trách nhiệm với công việc, lãnh đạo các nhà thầu nói trên còn thường xuyên nhận được những yêu cầu, chỉ đạo rốt ráo hàng ngày của lãnh đạo Bộ GTVT phụ trách công trình.
Tại Gói thầu số 4, Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây do liên danh Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - Cienco6 thi công, trên công địa dài chưa tới 16 km, các nhà thầu đã huy động một lượng thiết bị khổng lồ gồm 50 xe lu, 100 xe tải, 20 máy xúc, 5 dây truyền dải cấp phối đá dăm và cấp phối đá dăm gia cố xi măng, 2 dây truyền thảm bê tông asphalt.
Do đến tháng 9/2022, các nhà thầu tại gói thầu này mới tiếp cận đủ nguồn đất đắp, nên Gói thầu số 4 hiện còn khoảng 15.000 m3 đất đắp để hoàn thiện toàn bộ nền đường. Khối lượng này không lớn, nhưng nằm rải rác nhiều vị trí, cộng với điều kiện thời tiết mưa nhiều bất thường, nên đây đang là đường găng tiến độ của Gói thầu số 4.
Để kịp tiến độ thông tuyến, có những đoạn thi công nền đường dài chưa tới 300 m đã ken dày tới 20 xe lu, 5 máy xúc, 2 dây truyền thảm. Nhiều máy lu, nhà thầu bố trí tới 2 - 3 lái thay nhau đổi ca thi công liên tục. Lái máy dời cabin là vào ngay lán tạm vệ đường để ăn giữa ca rồi tranh thủ chợp mắt trước khi vào ca tiếp theo.
Ông Hoàng Nghĩa Việt, Phó giám đốc Ban Điều hành Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (phụ trách gói thầu XL04) cho biết, để hạn chế rủi ro về thời tiết, các nhà thầu đang phải dùng vật liệu dạng hạt thay thế cho đất đắp dù có chi phí cao hơn nhiều lần.
“Hầu hết các nhà thầu tại Dự án đang gặp khó khăn về tài chính do biến động giá vật liệu xây dựng quá lớn, nhưng tất cả đều xác định đây không không phải là thời điểm để so đo nghĩ yếu tố lợi nhuận”, ông Việt nói.
Để hỗ trợ các nhà thầu, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 7 đã thường trực tại công trường để xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán để dòng tiền được tái đưa ra công trường nhanh nhất.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, thời gian nghiệm thu, thanh toán tại Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được rút ngắn chỉ khoảng 2 -3 ngày.
Với việc các nhà thầu cam kết cấp đủ tài chính, huy động tối đa nhân lực, thiết bị, trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến nay, trung bình mỗi ngày tại Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết giải ngân được 20 - 25 tỷ đồng, một tháng giải ngân được hơn 700 tỷ đồng, bằng cả năm thi công trước đó.
Có những nhà thầu như Công ty Trường Long chỉ trong vòng 2 tháng gần đây đã thi công được hàng trăm ngàn mét khối nền đường, tạo nên những kỷ lục ít có trong ngành GTVT.
Làm vì danh dự
Cần phải nói thêm, chính thế chân tường đã phần nào tạo nên những động lực giúp nhiều nhà thầu vượt qua giới hạn bản thân, nhất là trong bối cảnh khối lượng thi công còn lại tại cả 2 dự án còn rất bộn bề, trong khi thời hạn thông tuyến vào ngày 31/12/2022 và hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình vào ngày 30/4/2022 đã rất cận kề.
Trong chuyến kiểm tra hiện trường 2 dự án mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng một lần nữa nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng, thời điểm thông xe kỹ thuật và khánh thành đưa các dự án vào khai thác không đổi: thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 và hoàn thành đưa vào khai thác các dự án trước ngày 30/4/2022.
Cụ thể, người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu các đơn vị liên quan tại 2 dự án phải thông xe kỹ thuật toàn dự án trên lớp bê tông nhựa C.19 (bê tông hạt trung) và lắp đặt đầy đủ dải phân cách, phấn đấu tối đa thi công lớp bê tông nhựa C12.5 (bê tông hạt mịn). Việc đẩy nhanh tiến độ thi công phải đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn theo quy định; đảm bảo chất lượng công trình, không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng công trình.
“Các nhà thầu chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ GTVT về tiến độ triển khai các dự án; Bộ GTVT sẽ xem xét không cho tham gia thực hiện các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đối với các nhà thầu không thực hiện đúng cam kết”, Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Trên thực tế, từ khoảng 2 tháng trở lại, nhất là khi Bộ GTVT tổ chức lễ phát động thi đua 120 ngày đêm, phần lớn lãnh đạo nhà thầu đã thoát khỏi tình trạng “ngủ đông”, kích hoạt năng lực tối đa để vừa giữ được việc làm trong tương lai, vừa vì danh dự của những người đã có thâm niên sống chết với nghề cầu đường 30 - 40 năm.
Cần phải nói thêm rằng, quá trình triển khai 2 dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng như các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 hội tụ tất cả những khó khăn cực điểm của ngành xây dựng hạ tầng. Đó là việc khan hiếm vật liệu thông thường như đất đắp, đá, cát; ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các công trường gần như bị phong tỏa trong thời gian dài; biến động giá vật liệu xây dựng; tình trạng khan hiếm xăng dầu.
Đặc biệt, tại hai dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là rất lớn và rõ rệt.
Tại Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trong thời gian thi công, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận - nơi khô hạn bậc nhất nước, lại mưa nhiều, kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công so với kế hoạch ban đầu (đặc biệt là các hạng mục đắp nền và thảm bê tông nhựa). Theo thống kê, năm 2021 có 150 ngày mưa, 11 tháng đầu năm 2022 đã có tới 119 ngày mưa, đa số các hạng mục không thể thi công trong thời gian mưa. Cứ sau mỗi ngày mưa, các đơn vị thi công lại phải mất tối thiểu 3 ngày chờ nền đường khô ráo. Nhiều đoạn móng đường, nền đường vừa thi công xong gặp mưa phải đào bỏ, thi công lại, nên rất tốn kém và mất thời gian.
Những yếu tố bất lợi nói trên đã bào mòn nền tài chính của các nhà thầu. Hiện trung bình mỗi nhà thầu đã lỗ 15 - 20% giá trị gói thầu. Dự báo, con số này sẽ tăng lên do phải dồn, bổ sung nhân lực, thiết bị kịp với kế hoạch thông xe. Có nhà thầu đã lỗ tới 1.500 tỷ đồng khi các gói thầu mà họ tham gia mới đi qua 3/4 chặng đường.
Tuy nhiên, trên tất cả, ý thức về danh dự, sự tự trọng nghề nghiệp và cả tương lai công việc phía trước là lực đẩy các nhà thầu vượt qua khó khăn. Nhiều nhà thầu đã phải bán đất, cầm cố tài sản để “quyết một lần chơi lớn”, chấp nhận bỏ chữ “lợi”, giữ chữ tín, chữ danh trong nghề nghiệp.
Cho đến thời điểm này, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cả 2 dự án vẫn chưa thực hiện điều chỉnh tiến độ gốc (24 tháng) nhằm tự tạo thêm động lực để vượt qua giai đoạn nước rút hiện nay.
Điểm thuận lợi là vào thời điểm này, những khó khăn trên công trường, về cơ bản, đều đã được Bộ GTVT tập trung, xử lý kịp thời, giúp nhà thầu chuyên tâm đẩy nhanh thi công.
“Rủi ro duy nhất mà các chủ thể thi công hai dự án chưa thể kiểm soát được chính là thời tiết. Chúng tôi thắt ruột thắt gan vì những trận mưa nghịch mùa với tần suất dầy đặc. Chỉ còn một cách để giảm thiểu rủi ro này là phải tận dụng tối đa khoảng thời gian nắng ráo quý giá, thi công 24/24. Giờ là lúc làm, tiến lên phía trước, chứ không phải là lăn tăn nghĩ đến câu chuyện lợi ích của bản thân, doanh nghiệp. Cùng với việc theo sát kế hoạch, Bộ GTVT đã quán triệt sâu sắc tới từng đơn vị: không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, một lãnh đạo Bộ GTVT cho hay.
Dự án Đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99 km; chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long; tổng mức đầu tư 12.577,5 đồng; tiến độ thực hiện: khởi công tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thành tháng 12/2022).