Cà Mau đã xử lý, gia cố xong đoạn đê 356 m bị sạt lở nghiêm trọng |
Trước tình hình trên, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để gia cố, khắc phục tình trạng sạt lở trên tuyến đê biển này.
Toàn tuyến đê biển Tây tính từ Sông Đốc về đến Tiểu Dừa có khoảng 7.500 m bị sạt lở. Trong đó, khu vực sạt lở đặc biệt nghiêm trọng chiều dài khoảng 2.300 m, khu vực này có thể vỡ đê bất cứ lúc nào do không còn đai rừng phòng hộ, vì vậy phải xử lý thận trọng, cần thực hiện ngay biện pháp hộ đê căn cơ; những đoạn còn lại có chiều dài trên 5.200 m cũng đang trong tình trạng sạt lở nguy hiểm, tuy có rừng nhưng cũng phải xử lý, nếu để mất rừng sẽ tốn kém nhiều hơn.
Ghi nhận tại hiện trường tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kênh Mới, huyện Trần Văn Thời, sau 04 ngày vẫn duy trì lực lượng khoảng 200 người tiếp tục hộ đê, gia cố lại đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, với chiều dài 356 m. Để bảo vệ đoạn đê này, lúc cao điểm phải huy động khoảng 300 người, gồm nhiều lực lượng tham gia hộ đê.
Tính đến ngày 07/8/2019, đã xử lý, gia cố xong đoạn đê này bằng cừ tràm 356 m, 300 m bằng vải bạt và tấn 15.000 bao tải đất, tạm thời giữ ổn định cho đê và hiện đang chuẩn bị đắp con trạch bằng bao tải cát trên mặt đê, dự kiến chiều dài 356 m để ngăn nước biển tràn vào.
Đồng thời, đây cũng là giải pháp chuẩn bị vật tư hộ đê trong tình huống cấp bách. Lực lượng hiện tại được duy trì túc trực tại hiện trường còn lại khoảng 100 người. Tình trạng đê đã tạm thời ổn định. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau cho biết: Giải pháp được triển khai hộ đê trong những ngày qua chỉ mang tính tạm thời để bảo vệ đê không bị vỡ, khi biển êm cần có biện pháp căn cơ hơn. Hiện tại, lực lượng hộ đê luôn trực 24/24.
Nhiều đoạn trên tuyến đê biển Tây đã không còn rừng phòng hộ, sạt lở sát chân đê |
Trước mắt, căn cứ vào tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải ký chủ trương ứng 3 tỷ đồng để phục vụ công tác hộ đê, từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh năm 2019.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương thống nhất để tỉnh thực hiện cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển. Vì nếu làm đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian, không thể xử lý kịp thời sự cố, dẫn đến vỡ đê và gây ra thiệt hại rất lớn cho địa phương.
Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khoảng 74 tỷ đồng để triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây gồm: Khắc phục ngay 2.300 m đang bị sạt lở rất nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào; xử lý sớm trong mùa mưa bão năm 2019 đối với những đoạn sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển Tây với chiều dài hơn 5.200 m, những vị trí này đai rừng chỉ còn khoảng từ 5 m đến 15 m; bơm đất, tạo bãi, phục hồi đai rừng phòng hộ đoạn từ Kinh Mới – Đá Bạc, Ngọn Tiểu Dừa, với chiều dài 7.000 m.
Về lâu dài, tỉnh Cà Mau kiến nghị Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam thống nhất để tỉnh Cà Mau thực hiện cơ chế khẩn cấp đối với các dự án xây dựng kè cơ bản đã có chủ trương từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới để khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đê biển Tây.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau cho biết thêm: Ngân sách địa phương hiện chưa đảm bảo cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nên chúng tôi đang kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để thực hiện công tác hỗ trợ về dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, với số tiền gần 32 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát, cập nhật thiệt hại do thiên tai gây ra để có đề xuất hỗ trợ trong thời gian tiếp theo.