Đầu tư
Các địa phương phía Nam hắt hủi dự án lưới điện
Thanh Hương - 07/07/2013 10:06
Thực trạng dự án xây dựng đường dây tải điện bị chậm tiến độ chỉ vì một vài vị trí dựng móng cột điện cao áp bị ách lại do không có mặt bằng đang diễn ra ở hầu hết các địa phương phía Nam có dự án đi qua.

Chỉ ít ngày sau khi giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương làm việc với các địa phương về giải phóng mặt bằng cho xây dựng các công trình đường dây 500kV, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện trực tiếp gửi các địa phương này.

Địa phương thờ ơ vì không có bất cứ nguồn thu nào khi lưới điện đi qua Ảnh: Đức Thanh

8 địa phương là Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bàn giao mặt bằng các vị trí móng cột còn lại của đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Sông Mây – Tân Định, Phú Mỹ - Sông Mây, Phú Lâm – Ô Môn trong tháng 7/2013 và hành lang tuyến trong tháng 8/2013.

Tuy nhiên, hiện tượng chỉ có một vài vị trí dựng móng cột điện cao áp gặp tranh chấp về giải phóng mặt bằng, nhưng lại khiến toàn bộ dự án đường dây bị chậm tiến độ, gây căng thẳng trong việc đảm bảo truyền tải điện, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế lại diễn ra ở gần như tất cả các địa phương mà đường truyền tải đi qua.

Không có bất cứ nguồn thu nào khi lưới điện đi qua, trong khi giải phóng mặt bằng dễ gây ra khiếu kiện phức tạp, nên nhiều địa phương cứ lần khân, muốn “né cho lành”, khiến các dự án lưới điện bị hắt hủi, trong khi dự án nguồn điện lại được địa phương “trải thảm đỏ” chào đón, bởi mang lại nguồn thu nhất định cho ngân sách.

Tại không ít cuộc họp của Ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, khi kiểm điểm tiến độ thực hiện các công trình điện, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, chỉ có 1-2 vị trí móng cột gặp khó khăn trong đền bù, giải phóng mặt bằng sẽõ khiến cả dự án chậm tiến độ hàng tháng, thậm chí có thể cả năm.

Tuy nhiên, mong muốn đẩy nhanh tiến độ của EVN bằng việc chấp nhận phương án đền bù cao hơn tại các vị trí này, thì vấp phải sự e ngại từ địa phương, bởi nguy cơ đẩy giá đền bù lên cao hơn quy định.

Đáng chú ý là, các đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Phú Mỹ - Sông Mây và Sông Mây - Tân Định, hay đường dây 2 mạch 500 kV Phú Lâm - Ô Môn (đoạn Phú Lâm – Long An) đều là các dự án cấp bách, được Chính phủ chấp thuận cho đầu tư để phục vụ việc truyền tải, ổn định chất lượng điện và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam giai đoạn 2014 - 2015.

Tuy vậy, thật rất đáng ngạc nhiên, khi hầu hết các địa phương được thụ hưởng lớn từ kết quả đầu tư hệ thống đường dây 500 kV cấp bách này, lại có đủ mặt TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai – những nơi đang trì trệ trong việc giải phóng mặt bằng cho cột và hành lang lưới điện của dự án.

Ghi nhận của hệ thống truyền tải điện quốc gia cho thấy, với thực tế nguồn điện hiện có ở khu vực miền Nam chưa đáp ứng tốt nhu cầu tại chỗ của các địa phương trọng điểm về tăng trưởng kinh tế này, trong khi các dự án nguồn điện của miền Nam không vào như dự tính, khiến việc truyền tải cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam là khó tránh.

Thực tế này cũng khiến cho việc chống quá tải cho các đường dây cao áp hiện có là giải pháp tích cực nhất so với đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nguồn điện. Cũng để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho đất nước, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho các đường cao áp cũng được EVN xem là mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Còn nhớ, chỉ một phút bất cẩn trong quá trình cẩu cây tại Bình Dương đã gây ra sự cố trên đường truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam mạch 2 cách đây hơn 1 tháng, khiến 15 nhà máy điện của hệ thống điện miền Nam ngừng vận hành, với tổng số 41 tổ máy phát điện, tổng công suất đặt lên tới 6.700 MW. Hệ quả là, 18 tỉnh, thành phố ở phía Nam mất điện hoàn toàn, trong đó có TP.HCM và kéo dài sang cả Campuchia khi mất điện trên đường dây 220 kV Châu Đốc - Tà Keo.

Mặc dù sản lượng điện không cung ứng được cho khu vực phía Nam ở sự cố này không lớn (chưa đến 40 triệu kWh), nhưng hệ quả thì khó tính đếm cụ thể, đặc biệt tại các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất phải liên tục, nhưng không có nguồn điện dự phòng riêng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV của EVN cho hay, EVN đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công an đưa toàn bộ hệ thống đường dây 500 kV và 220 kV vào danh mục công trình trọng điểm an ninh quốc gia. Trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương có tuyến đường dây đi qua để có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ an toàn tuyệt đối cho hệ thống điện, ngoài sự bảo vệ, chốt gác của bản thân ngành điện như thời gian qua.

“Hiện EVN đã ký quy chế phối hợp bảo vệ với chính quyền, công an, quân đội trên toàn bộ tuyến đường dây, ký hợp đồng phối hợp bảo vệ với UBND xã, phường, lâm trường và quân đội trực tuần tra canh gác 24/24 giờ với một số đường dây cao áp cấp 500kV hiện có và sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này ở các đường dây 500kV khác”, ông Vượng nói.

Tin liên quan
Tin khác