Vắc-xin Covid-19 dựa trên công nghệ phân tử m-RNA, góp phần quan trọng đưa nhân loại vượt qua đại dịch Covid đã mang lại giải Nobel Y học cho hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman.
Ảnh minh họa. |
Dựa trên cơ sở này, nhiều loại vắc-xin phòng ung thư đang được phát triển thử nghiệm ở các giai đoạn khác nhau, mang lại kết quả đầy hứa hẹn trong kỷ nguyên công nghệ này.
Tổ chức nghiên cứu Ung thư Anh quốc cũng tài trợ nhiều thử nghiệm như vắc-xin m RNA chống ung thư da ác tính, vắc-xin “LungVax” ngăn ngừa ung thư phổi trên đối tượng nguy cơ cao, vắc-xin ngừa ung thư gan, thận, phổi, bàng quang, ruột, tụy và tuyến vú.
Cơ sở khoa học của các vắc-xin ngừa ung thư này đó là huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận ra kháng nguyên mới trên các tế bào bất thường, nhằm ghi nhớ và tiêu diệt chúng.
Theo bác sĩ Trần Đình Văn, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện nhiều nhà khoa học đã quan tâm đến xu hướng nghiên cứu đích này, bởi liệu pháp gen được áp dụng hầu hết trong các bệnh lý nhằm điều trị căn nguyên. Đây là thế mạnh của khoa học cơ bản, giúp giải quyết nguyên nhân, ứng phó những thách thức mới trong y học.
Trong nghiên cứu động kinh kháng thuốc thùy thái dương mà nhóm tác giả trong đó có bác sĩ Đình Văn thực hiện từ giai đoạn 2018 đến 2022 cho thấy có tới 4 loại gen chuyển hóa liên quan cơ chế kháng thuốc, nghiên cứu nhận thấy có mối liên quan ý nghĩa thống kê gen chuyển hóa này đối với kết quả điều trị.
Chẳng hạn, có tới 80% người bệnh động kinh kháng thuốc thùy thái dương mang gen biến đổi ABCB1 đa hình dị hợp hoặc đồng hợp.
Đối với ung thư não, cụ thể là loại ung thư nguyên bào thần kinh đệm (Glioblastoma) là ung thư tế bào thần kinh đệm ác tính, trước đây có tiên lượng sống thêm trung bình 12 - 15 tháng, ngày nay điều trị đa mô thức bao gồm phẫu thuật - xạ trị - hóa chất được áp dụng giúp cải thiện thời gian sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, để điều trị khỏi khối ung thư này vẫn là thách thức lớn. Thử nghiệm lâm sàng vắc-xin mRNA ngừa ung thư được phát triển tại Đại học Florida đang ở pha 1, mang lại kết quả rất hứa hẹn tạo ra phản ứng miễn dịch cá thể hóa ngăn ngừa loại ung thư này.
Glioblastoma là một trong những loại u não ác tính nguy hiểm nhất của hệ thần kinh trung ương, hiện nay phác đồ điều trị tiêu chuẩn bao gồm phẫu thuật, sau đó là xạ trị bổ trợ, hóa trị liệu temozolomide. Khối u này thường gặp ở đối tượng cao tuổi, tuổi trung bình là 64 tuổi, gặp nhiều nhất là từ 75 đến 84 tuổi.
Do đó, việc áp dụng liệu pháp vắc-xin đối với người trẻ tuổi sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn giúp phòng ngừa khối u này xuất hiện. Trong quá trình phẫu thuật, cấu trúc bạch huyết tại màng cứng và khoang dưới nhện cấu trúc giống bạch huyết (được xác định năm 2015) bị phá hủy tại chỗ và không hồi phục tại vị trí cắt bỏ khối u, do đó cản trở quá trình miễn dịch tự nhiên tại vị trí phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị trên ít thay đổi trong 20 năm qua, tỉ lệ sống thêm sau chẩn đoán trung bình 15 tháng, hầu hết người bệnh có tái phát lại khối u tại các vị trí thâm nhiễm hoặc vị trí không thể cắt bỏ hoặc do hiện tượng gieo mầm khối u.
Tiêu chí mới nhất của tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại u thần kinh đệm ác tính ở người trưởng thành như sau: U tế bào hình sao có đột biến IDH (tương ứng độ II, III, IV), u thần kinh đệm oligodendroglioma có đột biến IDH, mã hóa 1p/19q (độ II, III) và glioblastoma với IDH - wildtype (độ IV), cũng lưu ý rằng khối u có thể chuyển dạng thành độ cao ác tính hơn.
Nếu điều trị không đầy đủ theo phác đồ gây ra nguy cơ tái phát cao, các tế bào u tồn dư sản xuất liên tục nhân tế bào và tế bào chất dạng ảo nhằm đưa các yếu tố di truyền và protein bất thường để thay đổi kiểu hình của các tế bào bình thường bằng hai cơ chế: Trực tiếp hình thành kết nối khoảng cách và giải phóng các túi ngoại bào nguồn gốc từ khối u.
Các biện pháp bổ sung là rất cần thiết nhằm giảm tải lượng khối u mà không thể quan sát được trên hình ảnh chụp cộng hưởng từ hay PET CT.
Kích thích khả năng miễn dịch của cơ thể là liệu pháp miễn dịch được đánh giá rất hứa hẹn, như liệu pháp kích thích cytokine (liệu pháp miễn dịch phục hồi), kích tạo tế bào T từ thụ thể TCR-T (liệu pháp miễn dịch chuyển tế bào nuôi dưỡng), liệu pháp miễn dịch thụ động tạo kháng thể, liệu pháp miễn dịch điều biến, liệu pháp chết tế bào miễn dịch (như tăng thân nhiệt điều biến, liệu pháp vi rút oncolytic) và đặc biệt là liệu pháp miễn dịch chủ động (vac xin).
Nền tảng vắc-xin chống ung thư thần kinh đệm ác tính ở não đang thử nghiệm lâm sàng có thể chia làm 4 loại như sau: Vắc-xin petide (gồm 2 loại chuỗi ngắn 8 - 11 axit amin và chuỗi dài tổng hợp 25 - 30 axit amin), vắc-xin tế bào đuôi gai (DC), vắc-xin m RNA và vắc-xin vec tơ virus. Mỗi loại vắc-xin có ưu nhược điểm và đặc thù riêng, tuy nhiên kết quả thử nghiệm rất hứa hẹn được đăng trên tạp chí uy tín Lancet.
"Chúng ta hoàn toàn hy vọng trong kỷ nguyên này sẽ được thừa hưởng các thành quả nghiên cứu ấy. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trung tâm Thần kinh chúng tôi đã hoàn thiện nhóm làm việc về ung bướu thần kinh gồm các chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thần kinh, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh và bác sỹ nội khoa chuyên về ung bướu thần kinh, nhằm thực hiện tốt các phác đồ điều trị chuẩn quốc tế", bác sĩ Đình Văn nói.
Về ung thư não, theo bác sĩ Đình Văn, có 8 dấu hiệu mà người dân cần chú ý. Dấu hiệu đầu tiên chính là việc người dân bị đau đầu. Đây là triệu chứng thường gặp, không đặc hiệu, nghĩa là đau đầu có thể do rất nhiều nguyên nhân.
Tuy nhiên, đau đầu do khối u não thường diễn ra thường xuyên theo thời gian, không giảm đau hoặc có giảm đau nhưng nhanh chóng đau lại khi dùng thuốc giảm đau, đau thường kèm theo nôn ói, hoặc buồn nôn, đặc biệt là vào buổi sáng, đau tăng khi nằm hoặc cúi hoặc khi đi vệ sinh.
Dấu hiệu thứ hai là động kinh. Động kinh có nhiều dạng khác nhau như cơn mất ý thức (không đáp ứng với tín hiệu bên ngoài), cơn co giật tay chân/ miệng, mặt, hoặc cơn tê, ngứa ran, tay chân không kiểm soát, khó nói, hoặc cảm giác ngửi thấy mùi lạ, nhìn chằm chằm mà không kiểm soát được.
Thay đổi tâm thần, tâm trạng, tính cách: Trở nên thu mình, buồn bã, làm việc kém hiệu quả, cảm thấy buồn ngủ, bối rối, kém tập trung suy nghĩ, hoặc trầm cảm, lo lắng.
Nếu các biểu hiện này xuất hiện đột ngột thường do biểu hiện khối u não. Hoặc tính tình hung hăng, hay cáu gắt, thất thường so với trước đây.
Dấu hiệu thứ tiếp theo là thay đổi giọng nói, khi diễn đạt khó khăn, khó hiểu từ, khó tìm từ, nói không mạch lạc.
Một nhận biết khác là thay đổi khả năng nghe, ngửi, nhìn. Một trong những chức năng này trở nên kém đi so với trước kia, đặc biệt như nhìn đôi (1 thành 2), nhìn mờ, mất ngửi, nghe kém.
Mất thăng bằng hoặc phối hợp, đi lại dễ ngã, dáng đi khác thường so với trước đây, cầm nắm đồ vật dễ rơi rớt.
Thay đổi khả năng cảm nhận nóng lạnh, áp lực, chạm nhẹ hoặc sờ vật sắc nhọn không biết đau. Thay đổi nhịp tim, nhịp thở trở nên khác thường so với trước kia.
Vậy, tại sao khối u não lại gây các triệu chứng như trên, theo bác sĩ Đình Văn, tùy vị trí u trong não xuất hiện tại vùng não có chức năng tương ứng sẽ gây ra các rối loạn tương ứng.
Ngoài ra, khối u não xuất hiện sẽ xâm lấn và phá hủy mô não, tạo áp lực lên các mô gần đó, chiếm không gian và tăng áp lực trong hộp sọ (áp lực nội sọ), khiến chất lỏng tích tụ trong não, ngăn chặn sự lưu thông bình thường của dịch não tủy qua các khoảng trống trong não và có thể gây chảy máu.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý rằng, không phải cứ xuất hiện một trong 8 dấu hiệu trên là chắc chắn có khối u trong não, tuy nhiên khi có biểu hiện, đặc biệt là các dấu hiệu đi cùng nhau, người dân nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh càng sớm càng tốt.