| ||
Năm 2015, Nhà nước cấp đủ vốn điều lệ 16 ngàn tỷ đồng cho Vinachem |
Nội dung Nghị định nêu rõ, Nhà nước vẫn nắm giữ 100% vốn điều lệ của Vốn điều lệ của Vinachem.
Năm 2015, Nhà nước sẽ cấp đủ vốn điều lệ (16 ngàn tỷ đồng) để Tập đoàn thực hiện chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; tiến hành các hoạt động về hóa chất; tổ chức quản lý, giám sát công tác về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hóa dược, hóa dầu và khai thác chế biến khoáng sản; thực hiện chức năng trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư kinh doanh vốn vào các công ty con, công ty liên kết; chi phối các công ty con theo mức độ nắm giữ vốn điều lệ…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vianchem phải kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm các loại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng sản phẩm trên thị trường trong nước, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài…
Theo Nghị định 190/2013/NĐ-CP, Vinachem thực hiện ngành, nghề kinh doanh chính gồm, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất; công nghiệp chế biến cao su; sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, hóa dược, hóa dầu.
Ngoài ra, Vinachem còn được tham gia vào hoạt động tư vấn thiết kế công nghiệp hóa chất; xuất, nhập khẩu vật tư, thiết bị hóa chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hóa chất.
Ngoài các lĩnh vực kể trên; Vinachem phải thực hiện thoái vốn theo nội dung và lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện Vinachem đang nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 8 công ty TNHH một thành viên, gồm Đạm Ninh Bình, Apatit Việt Nam, Hóa chất cơ bản miền Nam, Hơi kỹ nghệ que hàn, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP - VINACHEM, Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất, Hóa chất và Muối mỏ Việt Lào.
Vinachem cũng đang nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 21 công ty cổ phần, gồm Bột giặt NET, Bột giặt LIX, Pin Ăc quy miền Nam, Phân lân Ninh Bình, Công nghiệp Hóa chất và Vi sinh, Ắc quy Tia sáng, Xà phòng Hà Nội, Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, Hóa chất Việt Trì, Công nghiệp Cao su miền Nam, Cao su Đà Nẵng, Cao su Sao Vàng, Phân lân nung chảy Văn Điển, Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Phân bón miền Nam, Phân bón Bình Điền…
Ngoài ra, Tập đoàn này cũng nắm giữ vốn dưới 50% vốn điều lệ tại 19 công ty cổ phần khác, gồm Sơn tổng hợp Hà Nội, Công nghiệp hóa chất Đà Nẵng, Pin ắc quy Vĩnh Phú, Pin Hà Nội… Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, Xuất nhập khẩu hóa chất miền Nam, Tài chính cổ phần Hóa chất - Việt Nam, Cao su Inoue Vietnam, Hóa dầu Long Sơn, Bảo Minh, Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phân bón Việt Nhật.
Cũng theo Nghị định 190/2013/NĐ-CP, Tổng giám đốc Vinachem sẽ bị miễn nhiệm trước thời hạn nếu để Tập đoàn lỗ hai 2 năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu được giao trong 2 năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được; Vinachem lâm vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản; không hoàn thành nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu được giao; vi phạm nhiều lần và có hệ thống nghị quyết, quyết định của các cấp có thẩm quyền và Hội đồng thành viên, quy chế hoạt động của Tập đoàn.
Tổng giám đốc Vinachem không bị miễn nhiệm trước thời hạn nếu Tập đoàn bị lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lỗ theo kế hoạch do đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ; lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu có lý do khách quan được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Tuy nhiên, “sếp” của Vinachem sẽ miễn nhiệm ngay nếu bị phát hiện không trung thực trong thực thi các quyền hạn hoặc lạm dụng địa vị, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính của Tập đoàn.
Theo Báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước vừa được Bộ Tài chính gửi đại biểu Quốc hội, năm 2012, tổng số nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty là 275.975 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2011, chiếm 4,89% tổng số nợ phải thu.
Với số nợ phải thu khó đòi 125 tỷ đồng, cùng với Viettel (3.282 tỷ đồng), PVN (1.594 tỷ đồng), VNPT (2.089 tỷ đồng), EVN (189 tỷ đồng), Vinacomin (449 tỷ đồng), Vinatex (80 tỷ đồng), Vietnam Airlines (215 tỷ đồng), Vinalines (251 tỷ đồng), Cienco 1 (350 tỷ đồng)… Vinachem là một trong những đơn vị có nợ khó đòi lớn nhất năm 2012.
Hàn Tín