Thời sự
Cách tính lương hưu mới: Nghĩa vụ tăng, quyền lợi giảm
Phan Long - 21/04/2014 08:41
() Nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho rằng, cách tính mới cho lương hưu công chức, viên chức dựa trên lập luận là phần trăm tiền lương có thể giảm đi, nhưng trên nền lương cao hơn vì lương tối thiểu sẽ tăng là “đếm cua trong lỗ”.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Không tăng lương, thưởng nếu chưa trích lập dự phòng rủi ro
Tăng lương tối thiểu: Chưa biết khi nào
Tăng lương tối thiểu khối DN: Quanh mức 14 - 15%

Sau khi Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn có bài viết về đề xuất tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) liên quan đến việc thay đổi cách tính lương hưu công chức, viên chức (CCVC) từ năm 2015 theo hướng giảm, khá nhiều chuyên gia và người dân tiếp tục có những ý kiến phản biện đề xuất này.

   
  Nếu lương tối thiểu không tăng như kỳ vọng, trong khi lương hưu lại giảm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động  

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2022, Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam có thể mất cân đối thu - chi và đến năm 2034, sẽ hoàn toàn cạn kiệt.

Nguyên nhân là do, hiện số lượng người đóng BHXH trên số người hưởng lương hưu giảm mạnh; thời gian đóng ngắn, nhưng thời gian hưởng dài do tuổi thọ tăng, cộng với việc nợ đọng, trốn đóng BHXH tràn lan...

Để tránh nguy cơ vỡ quỹ, Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất thay đổi cách tính lương hưu của đối tượng CCVC. Cụ thể, từ ngày 1/1/2015, lương hưu của CCVC sẽ được tính trên bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian đóng BHXH, thay vì bình quân 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu như hiện nay.

Ngoài ra, để tăng thời gian đóng BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, sẽ tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, CCVC theo cách 3 năm tăng thêm 1 tuổi, cho đến khi cả nam lẫn nữ đủ 62 tuổi hoặc nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi; từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu với các đối tượng còn lại với lộ trình như trên.

Trước các ý kiến phản biện về việc cách tính mới khiến tiền lương hưu của người lao động sẽ giảm đi, cơ quan soạn thảo là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, phần trăm tiền lương có thể thấp hơn, nhưng trên nền lương cao hơn, bởi tiền lương tối thiểu sẽ tăng lên, cao hơn so với hiện nay.

Nếu lương tối thiểu khi đó không tăng như kỳ vọng, trong khi lương hưu lại giảm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động. Do đó, Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) không nên đề xuất tăng thêm nhiều nghĩa vụ, nhưng lại giảm quyền lợi của người lao động như vậy

Tuy nhiên, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động) lại cho rằng, sau rất nhiều lần tăng, đến nay, lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng khoảng 60% mức sống tối thiểu của người lao động.

Vì thế, nếu có tăng dần lên cũng chỉ là giảm thiệt thòi cho người lao động. Hơn nữa, giống như quan điểm của nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi đã chia sẻ với Báo Đầu tư, lương tối thiểu có tăng hay không phải phụ thuộc vào sự tăng trưởng của nền kinh tế, sức chịu đựng của ngân sách, của doanh nghiệp...

Vì vậy, không thể đảm bảo rằng, từ nay đến lúc Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, lương tối thiểu chắc chắn sẽ liên tục tăng. Và nếu có tăng, ai sẽ đảm bảo mức tăng sẽ cao hơn tốc độ lạm phát, trong khi Ban soạn thảo lại đề xuất giảm lương hưu. Đơn cử như  lộ trình lương tăng lương tối thiểu đến năm 2015 phải đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động (mà Chính phủ đã thông qua) hiện cũng không thực hiện được, mà phải lùi đến năm 2017.

“Vì vậy, cách giải thích đó của Ban soạn thảo giống như “đếm cua trong lỗ”, rất khó chấp nhận. Nếu lương tối thiểu khi đó không tăng như kỳ vọng, trong khi lương hưu lại giảm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động. Do đó, Ban soạn thảo Luật BHXH (sửa đổi) không nên đề xuất tăng thêm nhiều nghĩa vụ, nhưng lại giảm quyền lợi của người lao động như vậy”, ông Điều bình luận.

Ở góc độ cơ quan thẩm định, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chính khiến Quỹ BHXH đứng trước nguy cơ vỡ là do chênh lệch quá lớn giữa thu và chi; do số người đóng BHXH trên số người hưởng ngày càng giảm (từ hơn 200 người đóng trên 1 người hưởng hiện chỉ còn 9 người đóng trên 1 người hưởng). Vì vậy, về căn bản, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) phải mở rộng được đối tượng tham gia BHXH, thay vì giảm lương hưu của CCVC.

CÙNG CHỦ ĐỀ
Nâng tuổi nghỉ hưu: Nhiều ngành phải cân nhắc kỹ
Chưa thuận với đề xuất thay cách tính lương hưu
Sẽ thay đổi cách tính lương hưu

Muốn vậy, Chính phủ phải xây dựng được sàn lương hưu tối thiểu. Qua đó, tất cả các đối tượng tham gia đóng BHXH, dù theo diện bắt buộc, tự nguyện hay đối tượng khó khăn được Nhà nước hỗ trợ, khi nghỉ hưu sẽ được Nhà nước đảm bảo mức lương hưu không thấp hơn sàn lương hưu tối thiểu.

Còn muốn áp dụng cách tính lương hưu mới của CCVC như đề xuất theo nguyên tắc, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, thì phải thay đổi mức tiền lương căn cứ đóng BHXH”, ông Lợi nói.

Hiện tại, mức đóng BHXH không chỉ ở khối doanh nghiệp, mà ngay cả ở nhiều đơn vị nhà nước, tiền lương tối thiểu đang được lấy làm căn cứ đóng BHXH, thay vì tiền lương thực lĩnh. Đặc biệt là ở khối doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động chỉ ghi tiền lương cao hơn 5-10% so với lương tối thiểu trong hợp đồng lao động. Để tránh vi phạm luật, họ còn tách tiền lương ra trả cho lao động bằng các khoản phụ cấp khác để giảm bớt mức đóng BHXH. Vì nhu cầu việc làm, nên dù biết bị thiệt thòi, nhưng phần lớn người lao động vẫn phải chấp nhận.

Cũng vì lý do này, nên nguồn thu đầu vào cho Quỹ BHXH bị thất thu, tiền lương hưu của người lao động khi nghỉ hưu cũng sẽ thấp, không đảm bảo cuộc sống. “Do đó, để tăng nguồn cho Quỹ BHXH, phải quy định lấy tiền lương thực lĩnh làm căn cứ đóng BHXH ở cả khối hành chính sự nghiệp lẫn khối doanh nghiệp”, ông Lợi đề nghị.

Tin liên quan
Tin khác