HDI là chỉ tiêu tổng hợp của tổng hợp, phản ánh sự phát triển của con người về 3 mặt: thu nhập, sức khỏe, tri thức của con người. Nền kinh tế mà Việt Nam lựa chọn là kinh tế thị trường, theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” - tức là nền kinh tế do con người, vì con người. Bởi thế, HDI đối với Việt Nam - một nước có nền kinh tế chuyển đổi, một nước đang phát triển - có vai trò quan trọng đặc biệt.
HDI của Việt Nam trong những năm qua có nhiều kết quả tích cực, liên tục tăng lên qua các năm (2010 là 0,572, 2015 là 0,666, 2020 là 0,706). HDI tăng do cả 3 chỉ số thành phần cùng tăng. Trong đó, chỉ số tuổi thọ đóng góp lớn nhất vào chỉ số HDI, đã tăng lên qua các năm (2005 là 72,2, 2010 là 72,9, 2015 là 73,3, 2020 là 73,7), hiện cao hơn mức 72 của Đông Nam Á, 73 của châu Á và 73 của thế giới và ở mức cao hơn chỉ số tri thức, chỉ số thu nhập.
Trong khi đó, chỉ số giáo dục (tri thức) tăng lên và hiện thuộc loại khá (nếu năm 2010 mới đạt 0,48, thì 2015 đạt 0,58). Chỉ số thu nhập liên tục tăng lên khi GDP tăng liên tục trong thời gian khá dài (41 năm, có chăng chỉ thấp thua kỷ lục thế giới 44 năm hiện do Trung Quốc nắm giữ).
Với mức 0,706 điểm vào năm 2020, HDI của Việt Nam đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) quyết định chuyển từ nhóm nước có HDI trung bình lên nhóm nước có HDI cao. Thứ bậc của Việt Nam về HDI cao hơn thứ bậc về GNI bình quân đầu người, nên HDI của Việt Nam cao hơn thứ bậc về HDI của một số nước có GNI bình quân đầu người cao hơn mức tương ứng của Việt Nam, thể hiện rõ hơn định hướng của Việt Nam.
Tuy vậy, thứ bậc về HDI của Việt Nam vẫn còn thấp (trong khu vực đứng thứ 7, trên thế giới còn đứng thứ 119). HDI của Việt Nam tuy tăng lên, nhưng tăng chậm, nên thứ bậc chậm cải thiện, trong khi các nước cũng có sự cải thiện trong thời gian tương ứng.
Thứ bậc về 3 chỉ số thành phần của HDI của Việt Nam cũng tăng chậm. Chỉ số về tuổi thọ sau 5 năm chỉ tăng 0,004 điểm, mức tăng thấp nhất trong 3 chỉ số thành phần. Nguyên nhân được nhận diện là: tuổi thọ cao, nhưng những người cao tuổi của Việt Nam phần nhiều không khỏe, nhiều người có bệnh nền, ít có tích lũy, phần lo tuổi già còn nhỏ; “cơ cấu dân số vàng” đang qua nhanh, “cơ cấu dân số già” đang đến nhanh và xen kẽ với “cơ cấu dân số vàng”, nên đang đứng trước nguy cơ “chưa giàu đã già”…
Chỉ số tri thức tăng chậm, sau 5 năm chỉ tăng 0,022 điểm. Giáo dục - đào tạo có nhiều hạn chế, nhất là về chất lượng, cơ cấu đào tạo có những bất hợp lý về lý thuyết với thực hành, giữa các trình độ, giữa đào tạo và sử dụng, giữa các ngành, nghề… Giáo dục - đào tạo chưa thực sự là chìa khóa của khoa học - công nghệ; khoa học - công nghiệp chưa thực sự là động lực của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội…
Chỉ số về thu nhập dù có mức tăng cao nhất trong 5 năm qua (với mức tăng 0,040 điểm), nhưng quá nhỏ và cũng có không ít hạn chế. Tuy GDP cao lên, nhưng tỷ lệ GNI/GDP có xu hướng giảm xuống - tức là phần chi ra nước ngoài lớn hơn phần thu từ nước ngoài và chênh lệch này có xu hướng tăng lên về mặt tuyệt đối qua các năm.
Mặc dù có thời gian tăng liên tục khá dài, có tốc độ tăng năng suất lao động tương đối cao, nhưng do điểm xuất phát quá thấp, nên mức GNI bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam thấp hơn nhiều nước, kể cả khi GDP và GNI của Việt Nam sau đánh giá lại. Nguyên nhân chính là hiệu quả đầu tư và mức năng suất lao động của Việt Nam thuộc loại thấp, tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng nhưng còn thấp.
Do vậy, ngoài việc chăm sóc sức khỏe, tăng tuổi thọ, Việt Nam cần tập trung hơn cho việc nâng cao chỉ số tri thức và đặc biệt là chỉ số thu nhập. Cần khắc phục những hạn chế của các chỉ số này, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tỷ lệ người lao động đang làm việc qua đào tạo, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, nhất là kinh tế số… Cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó cần tập trung cho cơ cấu lao động, ngành kinh tế, vùng kinh tế, vốn đầu tư, loại hình kinh tế...