Ảnh minh họa. |
Sống trọn vẹn ở Việt Nam
Nhằm phục hồi ngành du lịch, Chính phủ đã có Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Việt Nam cũng đã thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế và mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, cùng nhiều chính sách quan trọng khác.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, ngành du lịch đang triển khai chiến dịch quảng bá với chủ đề “Sống trọn vẹn ở Việt Nam”, nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, chú trọng tăng cường thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong du lịch, xác định chuyển đổi số là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế số và phát triển du lịch thông minh, du lịch “không chạm”, “liền mạch” tại Việt Nam.
Bước vào giai đoạn bình thường mới, sau khi Covid-19 cơ bản được khống chế, bà Trịnh Thị Thủy cho hay, ngành du lịch đã chủ động tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động quan trọng. Riêng Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM - ITE 2022 (8 - 10/9) có quy mô 260 gian hàng từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 79,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 356.600 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50 đến 75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.
Trong khuôn khổ Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới WTA, tổ chức tại TP.HCM đầu tháng 9/2022, Việt Nam đã được trao 46 giải thưởng khác nhau, thể hiện sự hấp dẫn, uy tín của ngành du lịch nói chung và các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch nói riêng.
Phát triển du lịch xanh, bền vững, có trách nhiệm
Công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights đã hiển thị sự gia tăng mạnh mẽ lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam. Theo đó, lượng tìm kiếm thông tin khách sạn, resort ở Việt Nam tăng cao trong tháng qua, gấp 7 lần so thời điểm tháng 3, còn tìm kiếm về hàng không quốc tế đến Việt Nam tăng 3 lần.
Top 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Pháp, Anh, Malaysia. Các điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất đều là các trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Vũng Tàu.
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đón trên 1,4 triệu lượt khách quốc tế, trong đó riêng tháng 8/2022 có 486.400 lượt, tăng 38% so với tháng trước. Số liệu thống kê cho thấy, các thị trường khách quốc tế đang dần phục hồi, tuy nhiên tốc độ không đồng đều.
Một số thị trường ở Đông Nam Á phục hồi tốt. Khách từ Campuchia trong tháng 8/2022 thậm chí tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19. Thị trường Lào cũng tăng 136%. Trong khi đó, tốc độ phục hồi của các thị trường từ châu Âu cho thấy tín hiệu khả quan. Tuy số lượng khách đến trong tháng 8/2022 chưa nhiều, nhưng khoảng cách so với mức năm 2019 đã dần thu hẹp. Với 10.800 lượt khách Đức, 12.600 lượt khách Anh và 10.400 lượt khách Pháp, mức giảm của các thị trường này từ 35% đến 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhằm đánh giá khả năng phục hồi cũng như hiến kế để ngành kinh tế xanh phục hồi mạnh mẽ, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã dày công nghiên cứu và gửi Báo cáo Kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Tư vấn du lịch.
Trong đó có những đề xuất chính sách cụ thể trên nhiều lĩnh vực để tiếp tục duy trì đà phục hồi, phát triển ngành du lịch, cụ thể như: chính sách về thị thực, truyền thông, tài chính, quảng bá xúc tiến du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác công - tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số…
Bà Kristina Bunde, Trưởng ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam là đất nước có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc phát triển du lịch xanh, bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Phát triển du lịch nhưng không phải hy sinh tài nguyên tự nhiên. Hơn 10 năm qua, Liên minh châu Âu cũng đã hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch theo hướng này.
Bà Kristina Bunde cũng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã khôi phục mạnh mẽ thị trường du lịch nội địa. Muốn khôi phục thị trường quốc tế, thu hút khách quay trở lại sau Covid-19, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tạo điều kiện tốt nhất để khách tới Việt Nam. Trong đó, bà Kristina Bunde đặc biệt nhấn mạnh chính sách thị thực cần được cải thiện hơn nữa cả về số lượng các quốc gia được miễn visa cũng như thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.