Theo bà Karin Büchel, Bộ trưởng phụ trách mảng FTA và EFTA của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Trưởng đoàn đàm phán, khi FTA được ký kết và có hiệu lực sẽ cải thiện quyền tiếp cận thị trường của hai bên trong giao thương hàng hóa.
. |
Thưa bà, chúng ta đang ở đâu trong quá trình đàm phán hiệp định giữa EFTA với Việt Nam?
Quá trình đàm phán về một FTA toàn diện giữa EFTA và Việt Nam bắt đầu năm 2012 và đã qua 16 vòng đàm phán. Thụy Sỹ và các quốc gia khác trong EFTA đang mong đợi đạt được bản Hiệp định hiện đại và vươn xa này với Việt Nam.
Vướng mắc nào khiến quá trình đàm phán ngưng lại sau vòng thứ 16 ở Oslo (Na Uy) hồi tháng 6/2018 đến nay?
Chúng tôi đã đạt được tiến bộ tốt trong rất nhiều lĩnh vực, một số chương đã có thể hoàn tất. Nhưng cũng còn vài lĩnh vực khác cần giải quyết tiếp. Trong đàm phán, chủ trương cơ bản là đạt được quyền tiếp cận thuận lợi nhất đối với những lợi ích chính, đồng thời cân đối các vấn đề nhạy cảm. Đối với Thụy Sỹ, một khía cạnh quan trọng nữa là phải làm tăng thêm giá trị bằng các cam kết cao hơn những hiệp định của WTO, chẳng hạn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hoặc trong lĩnh vực mua sắm của chính phủ.
Vậy đôi bên có thể làm gì để đi đến thỏa thuận trong các lĩnh vực này?
Trong một số lĩnh vực, hai bên còn phải xác quyết liệu có thể tìm được tiếng nói chung không. Quan điểm của Thụy Sỹ là những FTA mà hai bên đã ký kết gần đây có thể hữu ích, có thể được dùng làm cơ sở tham chiếu để tìm ra giải pháp cho FTA giữa các quốc gia EFTA và Việt Nam.
Bà vừa nhắc đến “các FTA mà hai bên ký kết gần đây”. Có thể hiểu đó là EVFTA giữa Việt Nam và EU?
EVFTA đúng là một ví dụ về các thỏa thuận mà Việt Nam vừa ký kết và phê chuẩn. Nhưng Việt Nam cũng là một bên trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nữa. Về phía EFTA, gần đây chúng tôi cũng ký nhiều hiệp định, ví dụ ở châu Á là với Philippines và Indonesia. Vì vậy, chúng tôi không hàm ý một hiệp định duy nhất, mà hy vọng rằng, những hiệp định gần đây của cả đôi bên có thể giúp giải quyết các vấn đề tồn đọng trong đàm phán giữa EFTA và Việt Nam.
Bà nhận định thế nào về triển vọng quan hệ thương mại và đầu tư giữa Thụy Sỹ và Việt Nam một khi FTA được hoàn thiện và có hiệu lực?
Hiệp định sẽ cải thiện quyền tiếp cận thị trường đôi bên trong giao thương hàng hóa do thuế quan giảm. Nói chung, kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, những năm sau khi hiệp định được ký kết, trao đổi thương mại với các đối tác trong FTA tăng mạnh so với những đối tác không có FTA. Tuy vậy, rất khó để dự đoán chính xác tác động của FTA đối với thương mại giữa Thụy Sỹ và Việt Nam, bởi sự phát triển thương mại chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như tỷ giá hối đoái hoặc chu kỳ kinh tế.
Trong năm 2019, thương mại song phương giữa Thụy Sỹ và Việt Nam đạt 3,6 tỷ CHF (3,9 tỷ USD). Trong đó, Thụy Sỹ nhập hàng hóa trị giá 2,9 tỷ CHF từ Việt Nam, trong khi xuất sang Việt Nam 0,8 tỷ CHF (chưa kể vàng thỏi, đá quý, kim loại quý, đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Thụy Sỹ).
Một FTA giữa Việt Nam và Thụy Sỹ cũng giúp cải thiện sự bảo đảm pháp lý cho các nhà đầu tư. Các nghiên cứu quốc tế chỉ ra hiệu ứng tích cực của những hiệp định thương mại tự do toàn diện đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI). Nhiều nghiên cứu cho thấy giữa các quốc gia càng hòa hợp gần gũi, bằng nhiều hình thức mà FTA là một điển hình, thì khả năng nhà đầu tư của một quốc gia rút chạy khỏi quốc gia còn lại càng thấp. FDI từ Thụy Sỹ vào Việt Nam đã tăng lên 3 lần trong vòng 10 năm qua, đạt khoảng 700 triệu USD tính đến cuối năm 2018. Đó là nhờ tiềm năng thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam đã khá tốt. Thêm sự bảo đảm pháp lý bằng FTA nữa sẽ là rất tốt cho xu hướng phát triển này.
Vào tháng 10/2021, Việt Nam và Thụy Sỹ sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Bà có cảm thấy có một quyết tâm chính trị từ hai phía muốn đạt được FTA vào thời điểm đó không?
Chúng tôi cũng ý thức đầy đủ về việc hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao trong năm 2021 và dĩ nhiên chúng tôi hoan nghênh một kết thúc đàm phán sớm nhất có thể. Tuy nhiên, không thể dự đoán khi nào đàm phán có thể hoàn tất, bởi trước hết đôi bên phải giải quyết những vấn đề tồn đọng cuối cùng nói trên. Nhưng chúng tôi hy vọng có thể giải quyết sớm để đạt được sự đồng thuận về bản FTA đầy tham vọng và sẽ đem lại lợi ích cho cả đôi bên này.
Trong khu vực châu Á, EFTA có FTA với Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines, Indonesia và đang đàm phán với Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam. Riêng Thụy Sỹ có FTA đơn lẻ với Trung Quốc và Nhật Bản.