Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, thời gian qua, Sơn Tây đã luôn quan tâm phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, đồng thời đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Làng cổ Đường Lâm - điểm du lịch tiêu biểu của thị xã Sơn Tây, Hà Nội |
Hiện nay, thị xã có 244 di tích, 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 74 di tích được xếp hạng với 16 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 58 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, thị xã rất quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm.
Theo ông Lê Đại Thăng, nhằm phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, thị xã Sơn Tây đã xây dựng Kế hoạch về “Phát triển du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2017-2020”. Theo đó điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch sinh thái, dịch vụ Hồ Xuân Khanh. Bên cạnh đó, chỉ đạo tích cực triển khai việc xây dựng hồ sơ khoa học, khảo sát đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và đề ra phương án điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích Làng cổ Đường Lâm trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt.
"Sơn Tây đã thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích đình, miếu, điếm, giếng và nhà cổ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu cấp đất giãn dân với tổng số tiền trên 117,976 tỷ đồng và các dự án bức xúc dân sinh khác trong khu vực Làng cổ với tổng số tiền trên 82,439 tỷ đồng", Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết.
Với những nỗ lực xây dựng Làng cổ Đường Lâm trở thành điểm du lịch đạt chuẩn, ngày 6/9/2019, TP. Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm. Đây chính là cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện quản lý và đầu tư xâu dựng điểm du lịch làng cổ phát triển bền vững và hiệu quả trong tương lai.
Ngoài ra, thị xã cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện. Tăng cường công tác xã hội hóa các dịch vụ tại điểm di tích. Duy trì hoạt động đội ngũ hướng dẫn viên, chất lượng hướng dẫn viên được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu.
Song song với phát triển du lịch, nhằm khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức trong quan hệ ứng xử, phù hợp với yêu cầu của nếp sống công nghiệp, đô thị, Đảng bộ, chính quyền thị xã Sơn Tây tích cực chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử của UBND TP. Hà Nội. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, thị xã đã bố trí trên 705 tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện các mục tiêu trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã trở thành một trong những phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn. Đến nay, toàn thị xã có 94,7% gia đình văn hóa, tăng 6% so với năm 2016, vượt 6,7 so với chỉ tiêu Chương trình đề ra. Cùng với đó, phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa có những bước phát triển quan trọng, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội; trở thành những chuẩn mực để xây dựng nếp sống, lối sống, quan hệ ứng xử cộng đồng. Đến nay, toàn thị xã có 66/77 tổ dân phố văn hóa, đạt 85,7%, vượt 13,7% so với chỉ tiêu đề ra; 48/66 làmg văn hóa, đạt 72,7%, vượt 10,7% so với chỉ tiêu.
"Thị xã Sơn Tây là địa phương có hệ thống di tích văn hóa phong phú, đa dạng. Đây là mảnh đất trung tâm của xứ Đoài với dày đặc các di tích lịch sử. Với những lợi thế đó, Sơn Tây đang hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước", ông Thăng khẳng định.