Tối 9/10/2015, Chương trình Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt tiếp tục được triển khai, sau đúng 1 năm lần đầu tiên được thực hiện vào năm ngoái.
Bước tiến dài của Chương trình Sữa học đường
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định “đã đi được những bước dài trên tiến trình hiện thực hóa Chương trình Sữa học đường quốc gia”.
Các chuyên gia đều khẳng định sự cần thiết của Chương trình Sữa học đường |
Theo Bộ trưởng, trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam, nhất là trẻ ở độ tuổi từ 2 tới 12 tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi còn khá lớn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi. “Những ai đã từng đi tới các xã vùng 3 đặc biệt khó khăn đều lo ngại khi thấy những đứa trẻ lớp 4, lớp 5 nhưng vẫn nhỏ bé như học sinh lớp 1, 2 ở thành phố”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ.
Trong khi đó, so sánh mặt bằng chung về tầm vóc, chiều cao nam, nữ thanh niên Việt Nam, kết quả cho thấy, chiều cao của người Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Cụ thể, chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7 cm, thấp hơn 13,1 cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153 cm, thấp hơn 10,7 cm so với chuẩn.
So với tầm vóc của thanh niên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan tầm vóc của thanh niên nước ta kém hơn. Đây là một vấn đề ảnh hưởng sâu sắc tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Tập đoàn TH đã tích cực đưa sữa tươi về với học đường. |
Do vậy, Đề án "Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030” đã được xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là nâng cao tầm vóc người Việt với chiều cao trung bình sẽ tăng thêm 2,5 - 3,5cm vào năm 2030.
Trong Đề án, các chuyên gia chú ý đến “Chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học”. Bởi theo đánh giá của FAO, đây là chương trình dinh dưỡng rất hiệu quả và cần thiết đối với trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
Cũng vì vậy, vừa qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Dự thảo Đề án Sữa học đường Quốc gia và lấy ý kiến xây dựng Quy định về tiêu chuẩn Sữa học đường.
“Đồng hành với Bộ Y tế, tôi ghi nhận sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, trong đó đi đầu là Tập đoàn TH với các sản phẩm sữa tươi sạch TH true MILK và đánh giá cao mô hình điểm đang được triển khai thực hiện ở Nghệ An”, Bộ trưởng Tiến nói và nhấn mạnh rằng, với các cơ chế hỗ trợ nhân văn hướng tới mục tiêu tất cả trẻ em lứa tuổi vàng đều được uống sữa học đường, bà tin rằng Chương trình sẽ mang lại nhiều lợi ích nổi bật.
Chẳng hạn, giúp cải thiện chế độ dinh dưỡng nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em; nâng cao thể lực, tầm vóc trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, hướng tới cải thiện chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Bên cạnh đó, giảm gánh nặng về chi phí y tế và chi phí xã hội bởi các bệnh phát sinh do suy dinh dưỡng; giảm tỷ lệ trẻ mẫu giáo, tiểu học bỏ học, gắn kết học sinh với nhà trường…
“Lợi ích của Chương trình không chỉ dừng lại ở mỗi gia đình, mỗi ngôi trường, với việc triển khai trên diện rộng, mỗi địa phương và cả dân tộc sẽ có thế hệ vàng chung tay xây dựng đất nước, mà còn khích lệ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sữa tươi trong nước, giảm tỷ lệ nhập siêu sữa bột từ nước ngoài”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Và sự nỗ lực của Tập đoàn TH
Hiện tại, trên thế giới đã có nhiều quốc gia triển khai Chương trình Sữa học đường cấp quốc gia và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc cải thiện tầm vóc. Để nhấn mạnh về tính cần thiết và các hiệu quả của giải pháp này, FAO cũng đã phát động Ngày Sữa học đường thế giới vào ngày thứ 4 cuối cùng của tháng ̣9 hàng năm và được gần 60 quốc gia hưởng ứng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, trong khi Đề án Sữa học đường Quốc gia còn chưa được phê duyệt, thì với sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Tập đoàn TH đã mạnh dạn xây dựng mô hình điểm Chương trình Sữa học đường tại Nghệ An, với các đề xuất khả thi về cơ chế tài chính, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ mọi trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học uống sữa tại trường và giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách quốc gia.
Cụ thể, Chương trình sẽ giúp 428.306 học sinh mầm non và tiểu học ở 21 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh Nghệ An được sử dụng 1 hộp (180 ml) sữa tươi mỗi ngày, 5 ngày/tuần trong năm học 2015 - 2016.
Sữa được cung cấp với cơ chế tài chính ưu đãi: miễn phí 100% cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, gia đình người có công; hỗ trợ 50% cho học sinh hộ cận nghèo; hỗ trợ 30% cho học sinh bình thường.
Mô hình TH xây dựng tại Nghệ An cũng nhấn mạnh tới sử dụng sữa học đường đạt chuẩn với mong muốn dành những gì tốt nhất cho trẻ.
“Ý thức được sự cần thiết của Chương trình Sữa học đường, Tập đoàn TH đã đề xuất các cơ chế hỗ trợ và huy động sự vào cuộc của cộng đồng để triển khai ngay Chương trình. Chúng tôi tin rằng các bà mẹ sẽ hiểu cho con uống sữa để không bỏ lỡ cơ hội phát triển của con ở lứa tuổi vàng. Mỗi ngày chậm trễ triển khai Sữa học đường là một ngày cơ hội lớn của các con đang trôi qua”, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH chia sẻ.
Bên cạnh chương trình được triển khai tại Nghệ An, trong vòng hai năm qua, Tập đoàn TH đã trao tặng sữa học đường với tổng số sữa trao tặng lên tới 17.916.000 ly sữa tươi cho học sinh 49 tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam.
Vì những đóng góp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao tặng bằng khen “Vì sự nghiệp đổi mới giáo dục” cho bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH.