Nhiều thử thách với doanh nhân, doanh nghiệp
Ngày 22/8, Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA HCM) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức sự kiện Vietnam CEO Forum 2024 với chủ đề “Renovation hay innovation - cải tiến hay cải cách - điều gì thực sự tạo nên sự tăng trưởng bền vững?”.
Các diễn giả chia sẻ tại diễn đàn. |
Chương trình thu hút hơn 1.000 CEO để cùng thảo luận về những góc nhìn sâu sắc và chiến lược đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới.
Theo ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT, CEO Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Chủ tịch YBA, sau giai đoạn phát triển nhanh nhờ lợi thế về nhân công giá rẻ và tài nguyên cũng như những chính sách kích thích đầu tư thì các quốc gia đang phát triển sẽ đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình”.
Trong khi đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 được Quốc hội thông qua đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu.
Do đó, để đạt được những mục tiêu phát triển này và vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam và các doanh nghiệp phải tìm kiếm những mô hình tăng trưởng mới mà nơi đó giá trị gia tăng dựa trên tính sáng tạo là nền tảng.
“Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam đi qua nhiều khúc quanh với những thử thách về gia tăng công nghệ, sự chuyển giao của các thế hệ… Do đó, đây là dịp để các nhà lãnh đạo, CEO cùng chia sẻ các câu chuyện về sự biến hoá và tiến hoá, khả năng lựa chọn con đường đúng đắn trong môi trường kinh doanh đầy sự biến động. Từ đó tạo ra những thúc đẩy đổi mới sáng tạo dẫn dắt doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững.”
Đổi mới là tất yếu
Có thể thấy, với sự xuất hiện của nhiều xu hướng phát triển mới cùng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học công nghệ và cả những áp lực từ biến đổi khí hậu đã đặt ra yêu cầu về sự đổi mới, sáng tạo và sự phát triển bền vững để tăng khả năng thích ứng. Đây trở thành yếu tố quan trọng quyết định đến sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.
Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk cho biết, đối với Vinamilk, việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, bao bì trong năm 2023 vừa qua là một sự đổi mới rất lớn và tạo đà bứt phá trong tương lai. Đây là hoạt động nâng tầm thương hiệu với chiến lược và định vị mới, bộ nhận diện thương hiệu thể hiện rõ nét tính cách “táo bạo, quyết tâm, luôn là chính mình” của Vinamilk.
Đồng tình với ý kiến, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) thông tin, năm 2012 OCB chuyển đổi từ ngân hàng quốc doanh sang ngân hàng tư nhân. Từ sự chuyển đổi này đã mang đến một làng sóng mới, bởi sự đổi mới, năng động, tích cực và tinh thần khởi nghiệp rất cao. Trong giai đoạn 10 năm phát triển vừa qua cũng chứng minh được cải cách thành công của OCB.
“Trong thời gian tới, nếu chúng tôi tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng như hiện nay thì sẽ không tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ. Vì vậy, doanh nghiệp phải xách định lại điểm mạnh để có lộ trình phải triển, đổi mới. Hiện chúng tôi tập trung phát triển hai mảng trọng tâm là ngân hàng xanh và ngân hàng số. Ngân hàng OCB hôm nay khác với 10 năm là chúng tôi có nguồn lực, con người để thực hiện”, ông Hải chia sẻ.
Đặc biệt, trước những biến động từ thị trường, kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam cần có những công thức mới để có thể đưa ra những mô hình tăng trưởng mới cho cả nền kinh tế.
Bà Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN chia sẻ câu chuyện cải tiến hay cải cách tại tập đoàn. |
Đổi mới là tất yếu, nhưng để làm rõ câu chuyện lựa chọn cải tiến hay cải cách với một doanh nghiệp, bà Nguyễn Trà My, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN dẫn chứng, ngành lúa gạo Việt Nam có điểm xuất phát thấp trong khu vực, 40 năm trước trong khi một số nước như Philippines và Indonesia chủ động được lương thực, thì Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm.
Song từ 1989 đến nay, mọi thứ dường như đảo ngược. Việt Nam vươn lên, trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, còn Philippines và Indonesia phải quay lại, liên tục nhập khẩu gạo cho đến nay, dù Chính phủ các nước đã rất nỗ lực khôi phục khả năng tự cung tự cấp ngành gạo nhưng vẫn chưa thành công.
“Điều gì làm nên sự thành công của Việt Nam? Khi so sánh các nước trong khu vực ASEAN và Nam Á, ngành lúa gạo Việt Nam có sự khác biệt ở các điểm. Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống thuỷ lợi dày đặc với đủ loại hình, quy mô cho mọi vùng sinh thái, nhiều hồ chứa lớn từ Bắc đến Nam. Thứ hai, chiến lược chọn tạo giống lúa của Việt Nam theo mô hình kết hợp giữa năng suất cao nhưng có thời gian sinh trưởng ngắn hoặc cực ngắn (90-110 ngày) và chất lượng cao đã đem lại sự thành công”, bà My chia sẻ.
Song song đó, gần 40 năm trước, cố GS Võ Tòng Xuân đã vượt qua hàng rào cấm vận, xin được và kịp thời nhân rộng những giống lúa kháng rầy nâu của Viện nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, góp công cứu đất nước trong những ngày đói kém.
Ngày nay có Anh hùng lao động Hồ Quang Cua và cộng sự với giống ST25 đã 2 lần đạt giải nhất Gạo ngon thế giới, cùng rất nhiều các nhà khoa học tại các Viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp đang ngày đêm cải tiến, lai tạo và thậm chí phát minh ra những giống cây trồng có đặc tính vượt trội.
Bà Trà My cho biết, tập đoàn PAN cũng có những nhà khoa học như vậy. Tiêu biểu là một nhà khoa học đã tạo ra giống lúa Đài Thơm 8 nổi tiếng được nông dân cả nước ưa chuộng, hiện đóng góp đến hơn 30% lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam. Vào quý IV tới đây, PAN sẽ ra mắt một giống lúa mới được cải tiến với những đặc tính vượt trội hơn nữa về chịu hạn, chịu mặn và cho chất lượng gạo thơm ngon, phù hợp với cả điều kiện khí hậu 3 miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là vụ hè thu khắc nghiệt phía Bắc.
“Với đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải đến 2030 của Chính phủ, PAN đánh giá đây không chỉ là cải tiến mà chính là một cuộc cải cách lớn trong lĩnh vực trồng lúa, thay đổi hoàn toàn phương thức sản xuất và canh tác lúa, hướng đến những mục tiêu rất cao về cả kinh tế, môi trường, xã hội (ESG). Tập đoàn PAN đang tham gia và triển khai thực hiện các vùng liên kết nông dân, kết hợp cải tiến về giống, kỹ thuật canh tác… để thực hiện bằng được các mục tiêu của Đề án”, bà My khẳng định.