Đầu tư Phát triển bền vững
Cấm đồ nhựa dùng một lần: Đâu là giải pháp thay thế?
P.V - 19/09/2022 08:12
Tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học trên thế giới đã đạt mức trên 2,5 triệu tấn/năm, trong đó 75% được sử dụng cho sản xuất bao bì phân hủy sinh học.

Sử dụng túi phân hủy sinh học thân thiện môi trường là xu hướng tất yếu, trong đó sản phẩm túi phân hủy sinh học hoàn toàn là lựa chọn tối ưu.

Với ưu điểm bền chắc, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm nhựa nói chung và túi nilon nói riêng đã trở thành những vật dụng khó có thể thay thế trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, giới khoa học đã đưa ra nhiều cảnh báo về những mối nguy khôn lường đối với sức khỏe con người và hệ sinh thái nếu chúng ta không nhanh chóng loại bỏ các sản phẩm nhựa ra khỏi cuộc sống.

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Theo một lộ trình đầy tham vọng, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là: Nếu cấm các sản phẩm nhựa thì đâu sẽ là các sản phẩm thay thế, để vừa có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày, vừa tiện lợi, vừa thân thiện với môi trường?

Nhựa phân hủy sinh học có phải giải pháp tối ưu?

Trên thực tế, nhiều năm qua, việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian gần đây, một loại nguyên liệu tiềm năng được nhắc đến khá nhiều đó là: nhựa phân hủy sinh học.

Nhựa phân hủy sinh học có 2 loại gồm nhựa phân hủy sinh học được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc tái tạo và loại thứ hai được làm từ nguyên liệu không tái tạo như dầu mỏ. Nhựa phân hủy sinh học được ứng dụng để làm ra nhiều sản phẩm như túi, dao, thìa, dĩa ống hút, màng bọc thực phẩm, hộp đựng thực phẩm, lưới đánh cá, màng nông nghiệp và thậm chí các sản phẩm trong y tế như chỉ khâu, gạc, vỏ thuốc…

Tính ưu việt của nhựa phân hủy sinh học được biết đến khi nó có thể phân hủy hoàn toàn trong thời gian rất ngắn từ 6-12 tháng thành nước, CO2 và sinh khối, không để lại chất độc hại nào cho môi trường và đặc biệt an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Khác với nhựa thông thường phải mất tới hàng trăm năm để phân hủy, nhựa phân hủy sinh học có thể phân hủy hoàn toàn thành nước, CO2 và sinh khối, trong thời gian 6-12 tháng.

Với nhiều ưu điểm nổi bật, nhựa phân hủy sinh học đang ngày càng được ưa chuộng trên khắp thế giới. Hiện nay, tiêu dùng nhựa phân hủy sinh học trên thế giới đã đạt mức trên 2,5 triệu tấn/năm, trong đó 75% được sử dụng cho sản xuất bao bì phân hủy sinh học.

Ông Nguyễn Lê Trung, Phó chủ tịch An Phát Holdings, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh đánh giá, việc Việt Nam lên kế hoạch sau năm 2030 dừng sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần sẽ mở rộng cơ hội cho những doanh nghiệp sản xuất nhựa thân thiện môi trường. Ước tính có khoảng 500.000 tấn sản phẩm nhựa dùng một lần đang tiêu thụ trên thị trường bị cấm sử dụng cần phải tìm sản phẩm khác thay thế, khi đó chỉ có túi phân huỷ sinh học hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu, thân thiện môi trường. Sản phẩm này đã được minh chứng tại thị trường châu Âu.

Một thống kê chỉ ra, trong cơ cấu ngành nhựa, nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất 36% với khoảng 2,1 triệu tấn (vào năm 2017). Để thay thế sản phẩm này, tiềm năng của nhựa sinh học tương đối lớn. Ước tính với tỷ lệ thay thế của thế giới vào khoảng 1% thì tổng nhu cầu nhựa sinh học của Việt Nam sẽ khoảng 60.000 tấn mỗi năm. Sản lượng này tương đối lớn với tốc độ tăng trưởng nhu cầu nhựa của Việt Nam hàng năm là 10,8% thì tiềm năng phát triển của nhựa sinh học rất rộng mở.

Chưa dừng lại ở đó, thị trường nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học PBAT trên thế giới hiện cũng đang rất sôi động, khi nhu cầu PBAT tăng mạnh tại các quốc gia. Dự báo đến năm 2026, PBAT sẽ chiếm 30% tổng dung lượng thị trường nhựa phân hủy sinh học toàn cầu và đạt hơn 2 triệu tấn.

Luồng gió “xanh” cho ngành nhựa

Cùng với xu hướng chung toàn cầu, làn sóng chuyển đổi xanh trong sản xuất cũng đang len lỏi vào ngành nhựa của Việt Nam. Tại Việt Nam, đã có một số công ty nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học, trong đó phải kể đến Tập đoàn An Phát Holdings.

Năm 2015, An Phát Holdings trở thành doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thành công sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn mang thương hiệu AnEco, được xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế “khó tính” như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… và được công nhận đạt tiêu chuẩn tự hủy quốc tế tại châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp nhựa Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh.

“Làm chủ công nghệ sản xuất, sử dụng bao bì phân hủy sinh học không những bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, mà còn góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững”, Tiến sỹ Dương Xuân Diêu, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong một bài phân tích đã nhấn mạnh.

Trên phương diện vĩ mô, với quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường. Cùng với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Đây cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của ngành nhựa phân hủy sinh học ở Việt Nam trong tương lai.

Nhận định về tính cấp bách của quá trình chuyển dịch “xanh” trong ngành nhựa, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cho rằng: “Các doanh nghiệp sản xuất bao bì cần nhìn nhận một cách nghiêm túc và không được chậm trễ trong quá trình chuyển đổi xanh, bởi lẽ khi phát triển theo hướng xanh và có trách nhiệm với xã hội thì giá trị thương hiệu sẽ được nâng cao và người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm của doanh nghiệp đó”.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính phủ và quyết tâm đổi mới sản xuất hướng đến các sản phẩm thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp ngành nhựa, thì chắc chắn trong thời gian tới, các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học sẽ ngày càng tăng mạnh, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và hoàn toàn có đủ tiềm năng để thay thế các sản phẩm nhựa truyền thống.

Tin liên quan
Tin khác