Thời sự
Cần chỉ tiêu thống kê về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức
Nguyễn Lê - 20/10/2021 16:41
Theo Ủy ban Kinh tế, danh mục chỉ tiêu thống kê cần có chỉ tiêu về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức để đánh giá tổng thể mặt bằng thu nhập của khối này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra. 

Theo Ủy ban Kinh tế, danh mục chỉ tiêu thống kê cần có chỉ tiêu về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức để đánh giá tổng thể mặt bằng thu nhập của khối này.

Chiều 20/10, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Về phạm vi, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP). Rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Chiều 20/10, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Nội dung thứ hai là sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Lần sửa đổi này cũng thay thế Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo luật này.

Phần này bổ sung 47 chỉ tiêu thống kê để phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được ban hành trong thời gian gần đây.

Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, trong thời gian ngắn đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật qua 2 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội.

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, dù chưa bảo đảm toàn diện các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng dự thảo đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung những vấn đề căn cơ nhất, quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu hiện nay, bảo đảm phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.

Liên quan đến Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như: giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu).

Cơ quan thẩm tra cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, sử dụng điện sinh hoạt, chất lượng nhà ở trong nhóm chỉ tiêu phản ánh chất mức sống dân cư; chỉ tiêu về dịch bệnh, về tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cho nhân dân và một số bệnh phổ biến vào nhóm y tế và chăm sóc sức khỏe.

Cần bổ sung chỉ tiêu chỉ tiêu về tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức; tiền lương và thu nhập của viên chức để đánh giá tổng thể mặt bằng thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, ông Thanh báo cáo.

Ủy ban Kinh tế còn đề nghị rà soát, xem xét tính hợp lý, trùng lặp của một số chỉ tiêu như: chỉ tiêu về tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động với chỉ tiêu về tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động; chỉ tiêu về tỷ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội, chỉ tiêu về tỷ lệ người Việt Nam đọc báo, tạp chí....

Khá nhiều quan điểm của cơ quan thẩm tra được đại biểu Quốc hội đồng tình khi thảo luận tại tổ ngay sau đó. Ý kiến chung của nhiều đại biểu là cần rà soát kỹ hơn nữa để thay thế các chỉ tiêu đã lạc hậu, bổ sung các chỉ tiêu thể hiện chất lượng của nền kinh tế. Đặc biệt, số liệu thống kê cần phục vụ cả người dân và doanh nghiệp, chứ không chỉ phục vụ cơ quan quản lý nhà nước. 

Một số vị đai biểu cho rằng, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, số liệu thống kê đã không phục vụ được việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khiến cả người dân và doanh nghiệp đều mòn mỏi đợi chờ. 

Theo nghị trình, sáng 26/10, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, sau đó xem xét thông qua vào sáng 13/11.

Tin liên quan
Tin khác