Theo báo cáo của IPSARD, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ĐBSCL thấp nhất cả nước |
Công bố tại Hội thảo “Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long sáng nay (26/12), Bà Trần Thị Thanh Nhàn, đại diện IPSARD cho hay, theo khảo sát của cơ quan này, lao động nữ tại Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn.
Nếu như tỷ lệ nữ tham gia lao động trên tổng số lao động cả nước trong năm 2018 là 47,8%, thì con số này tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 65,7%. Mặc dù vậy, thu nhập bình quân của lao động nữ trong lĩnh vực nông lâm thủy sản lại thấp hơn của nam giới và khoảng cách đang có xu hướng ngày càng nới rộng với mức chênh lệch từ 1,3 triệu đồng/người/tháng năm 2010 lên đến 1,43 triệu đồng/người/tháng.
Không những vậy, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động nữ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng luôn cao hơn nam giới, với tỷ lệ tương ứng trong năm 2018 là 3,57% so với 2,02% và 2,84% so với 2,78%.
Theo IPSARD, trong thời gian qua, hàng loạt các chính sách về đào tạo và việc làm cho lao động nữ cả nước nói chung và lao động nữ Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã được ban hành. Cụ thể như Quyết định số 2351/QĐ - TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011 - 2020; đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020” cùng các đề án đào tạo lao động và hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn.
Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ thất nghiệp, khả năng tiếp cận nguồn lực sản xuất, cơ hội đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp của lao động nữ Đồng bằng sông Cửu Long vẫn thấp toàn diện so với mặt bằng chung của cả nước.
Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long rất giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, chế biến, du lịch và tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động nữ, nhưng hiện khu vực này đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ biến đổi khí hậu, việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ mục đích khác...kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của người dân khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đối với lao động nữ.
Do đó, IPSARD khuyến nghị, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nữ, nhất là thông qua chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sử dụng nhiều lao động nữ hơn.
Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa lồng ghép nội dung bình đẳng giới để quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nữ khu vực nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các chương trình quốc gia về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, khuyến khích đào tạo nghề, tạo việc làm cho nữ lao động, nhất là lao động nữ lớn tuổi; ưu tiêng cho vay vốn giải quyết công ăn việc làm đối với các dự án tạo nhiều việc làm cho lao động nữ nông thôn từ Quỹ quốc gia về việc làm.