Thời sự
Cần có “nhạc trưởng” để điều phối du lịch ĐBSCL
Phú Khởi - 30/06/2015 19:15
Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày 29/6, tại TP. Cần Thơ. Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND TP. Cần Thơ tổ chức.

 

Hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL 2015 là một trong 8 hoạt động chính của Tuần lễ du lịch xanh ĐBSCL diễn ra tại TP.Cần Thơ.

ĐBSCL được đánh giá là có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch nhất là du lịch xanh, du lịch sinh thái, tuy nhiên thời gian qua sự phát triển du lịch ở đây chỉ là tự phát, mạnh ai nấy làm nên có nhiều sản phẩm trùng lắp, kém hấp dẫn du khách. Để khắc phục hạn chế này thì cần có “nhạc trưởng” để “phân vai” cho các địa phương phát triển du lịch.

Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để du lịch xanh ĐBSCL phát triển thì ngoài việc xúc tiến thành lập Ban điều phối còn cần sớm triển khai thực hiện Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, trong đó đề xuất chọn 3 vấn đề đột phá như xây dựng cơ chế chính sách, tạo nguồn lực vật chất đầu tư và phát triển nguồn nhân lực du lịch. 

Theo đề án xây dựng sản phẩm đặc thù du lịch ĐBSCL do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt, sẽ có các tour du lịch đặc thù ở ĐBSCL ở cấp quốc gia và cấp vùng như: trải nghiệm cuộc sống cộng đồng với giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản đị; tìm hiểu giá trị sinh thái đất ngập nước vùng hạ lưu sông Mê Kông gồm Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Cà Mau, Kiên Giang; du lịch nghỉ dưỡng biển Phú Quốc; tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị văn hoá nghệ thuật đàn ca tài tử tại tỉnh Bạc Liêu; trải nghiệm văn hoá đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh; tham gia lễ hội Vía bà chúa xứ Núi Sam (An Giang) …

Ông Hồ Việt Hiệp, Phó chủ tịch tỉnh An Giang cho rằng việc xây dựng sản phẩm đặc thù để “chia sân” phát triển du lịch giữa các địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, ông băn khoăn trong đề án còn bỏ sót nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của vùng. Điển hình như sản phẩm du lịch độc đáo “tour du lịch khám phá mùa nước" ở tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp không được đề cập đến.

Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong thời gian qua, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất sôi động với tốc độ phát triển bình quân trên 2 con số. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối diện với những vấn đề về phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, xu hướng phát triển du lịch xanh, thân thiện và bảo vệ môi trường là hướng đi tất yếu. Việc phát triển du lịch cũng cần phải phát huy hiệu quả cao hơn, bền vững hơn nữa trong mối liên kết giữa các đơn vị quản lý, các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Tin liên quan
Tin khác