Đây là đánh giá của các chuyên gia tại Hội thảo trực tuyến “Chất lượng của thông tư, công văn - Góc nhìn từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Aus4Reform) tổ chức ngày 25/6.
Luật chờ thông tư; công văn có tính chất như… quy định
Theo nghiên cứu, đánh giá từ VCCI, trong những năm gần đây, chất lượng văn bản pháp luật dần được nâng cao, quy định tại các văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao như luật, nghị định đã cụ thể, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, khi áp dụng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phải dựa nhiều vào quy định hướng dẫn tại thông tư. Thậm chí, ngay cả khi thông tư đã được ban hành để hướng dẫn, trong một số trường hợp, doanh nghiệp cũng phải dựa nhiều vào công văn của các cơ quan quản lý để hiểu hết được quy định của pháp luật.
VCCI cho hay, trong 2 nhiệm kỳ gần đây, số lượng thông tư, công văn được các bộ, ngành ban hành mới có xu hướng giảm. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Quốc hội ban hành 112 luật, pháp lệnh và nghị quyết; Chính phủ ban hành 745 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hàn 232 quyết định. Nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, các bộ, ngành đã ban hành 2.532 thông tư và thông tư liên tịch.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, số lượng thông tư lớn rất nhiều so với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Điều đáng lưu ý là dù trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của thông tư rất thấp, nhưng trong thực tế thì… lại không phải như vậy.
“Luật ban hành, nhưng phải chờ thông tư thì các quy định mới thực sự được thực thi. Ví dụ, các luật về thuế, hầu như trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp chủ yếu xem quy định tại thông tư để áp dụng”, ông Tuấn nêu.
Không những vậy, dù trong luật quy định rằng, thông tư không được ban hành điều kiện kinh doanh, nhưng thực tế tình trạng này vẫn còn. Ông Tuấn đưa dẫn chứng là Thông tư 03/2018/TT-NHNN quy định về điều kiện cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.
Thông tư hiện cũng quy định về thủ tục hành chính, trong khi không được Luật, Pháp lệnh giao. Điển hình như Thông tư quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép xuất khẩu trong hoạt động kinh doanh vàng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lại đưa thực tế, còn nhiều thông tư "vênh" với nghị định. Chẳng hạn như các thông tư liên quan đến nhập khẩu thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay một số quy định của hải quan.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều công văn có tính chất như quy định, tạo áp lực lớn về pháp lý cho cơ quan thực thi và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Theo ông Nam, Nghị định ra đời vẫn phải chờ thông tư, mà thông tư ra đời lại phải đợi công văn hướng dẫn, do các quy định không rõ ràng, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau. “Dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng không có công văn là các thủ tục đứng lại hết”, ông Nam chỉ rõ.
Đặc biệt, theo ông Nam, một tình trạng đang khá phổ biến là “công văn trả lời (gửi) cho “ai”, thì chỉ có hiệu lực cho “người đó”: gửi cho tỉnh nào, chỉ áp dụng cho tỉnh đó; gửi cho ngành nào, chỉ áp dụng cho ngành đó; gửi công ty nào thì chỉ công ty đó.
Một số công văn chỉ trích lại các quy định của thông tư, nghị định, không đưa chính kiến trả lời, khó hiểu hoặc hiểu sao cũng được, Tổng Thư ký VASEP cho hay.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI chủ trì Hội thảo |
Về lâu dài, cần hạn chế ban hành thông tư
Nói về phản ứng của các Bộ, ngành khi Thông tư, công văn làm khó cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có Bộ ngành cầu thị, công văn mới “ra đời”, chưa có hiệu lực đã đình chỉ, nhưng có Bộ, ngành thì “làm ngơ”.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), thông tư thể hiện góc nhìn nhỏ của một bộ, ngành nhưng lại ảnh hưởng rất đến số đông nên việc xây dựng văn bản pháp luật nên dựa trên ý kiến của nhiều bên.
Bà Thảo cũng cho rằng, không nên ban hành thông tư rồi lại đình chỉ vì như vậy sẽ làm giảm hiệu lực của chính sách.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đề xuất, cần chuyên nghiệp quá trình soạn thảo thông tư, kiểm soát và chống xung đột lợi ích, nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng thông tư.
Đồng thời, tăng cường tham vấn để doanh nghiệp tham gia, có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo thông tư.
Đưa ra đề xuất “gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kinh tế”, ông Tuấn cho rằng, cần gắn với trách nhiệm một cá nhân cụ thể, khuyến khích cơ chế khởi kiện hành chính.
Hiện đã có chế tài xử lý công dân, doanh nghiệp vi phạm hành chính, thì cũng cần có chế tài đối với công chức, viên chức soạn thảo những văn bản gây tác động xấu đến nhiều người, phải gắn trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó, bộ phận pháp chế của các bộ, ngành cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để ngăn chặn những văn bản chất lượng không tốt được ban hành, ông Tuấn phân tích.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Tuấn giữ nguyên quan điểm “cần hết sức hạn chế ban hành thông tư”. “Nghị định là của Chính phủ nên góc nhìn rộng hơn. Thông tư chỉ nên quy định mẫu biểu thôi”, ông Tuấn đề xuất.