Cần chính sách khuyến khích đại công nghiệp và đưa nông dân đi cùng doanh nghiệp
Tham gia hiến kế với Chính phủ tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sán lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, đã bày tỏ mong muốn rằng, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích đại công nghiệp, áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, kết hợp với khoa học quản trị tiên tiến, từ đó tạo ra được sản phẩm chất lượng quốc tế, năng suất cao…
Kinh nghiệm này được đúc rút từ câu chuyện của TH, khi tập đoàn này bắt đầu thực hiện chăn nuôi bò sữa quy mô đại công nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2008.
Anh hùng Lao động Thái Hương "hiến kế" tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn ngày 21/9 |
Theo nữ doanh nhân Thái Hương, kinh nghiệm 15 năm của TH cho thấy rằng, mặc dù khí hậu Việt Nam không thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa, nhưng vẫn có thể thành công bằng việc áp dụng đan xen các thành quả của khoa học - công nghệ và khoa học quản trị, từ đó tạo ra sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, năng suất cao, chi phí hợp lý nhất… Không những vậy, điều này còn góp phần thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ trở thành sản xuất hiện đại, tiên tiến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật...
Thời điểm năm 2008, thị trường sữa Việt Nam có tới 92% là sữa bột nhập ngoại về pha lại, gọi là sữa hoàn nguyên, chỉ có 8% là sữa tươi, với mức tiêu thụ sữa bình quân chỉ đạt 8-12 lít/người/năm. Nhưng nay, sự vào cuộc của TH đã dẫn dắt, lôi kéo các doanh nghiệp khác đầu tư vào ngành chăn nuôi bò sữa. Và nhờ vậy, mức tiêu thụ sữa của Việt Nam đã tăng lên 25 lít/người/năm, dù vẫn cách xa so với thế giới. Tỷ lệ sữa nước chế biến từ sữa tươi cũng đã tăng đến xấp xỉ 60%, trong đó Tập đoàn TH đang dẫn đầu, chiếm 45% thị phần.
Chia sẻ về những thành công của TH, Anh hùng Lao động Thái Hương cũng cho biết, một điều quan trọng là TH cũng đã thành công trong việc đưa người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất - hàng hóa theo chuẩn quốc tế, đưa họ trở thành các công nhân nông nghiệp công nghệ cao, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, tiến tới làm giàu…
“Nhưng làm nông nghiệp không có nghĩa là chỉ chú ý đến người nông dân, cần lôi kéo cả tầng lớp doanh nhân có đủ tâm - trí - lực. Lôi kéo họ bằng những cơ chế, chính sách hợp lý, để họ tiếp tục đưa người nông dân đi cùng, trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, giống như Tập đoàn TH đã làm với những người nông dân tại Nghĩa Đàn, Nghệ An”, nữ doanh nhân Thái Hương “hiến kế”.
Tại Nghĩa Đàn, người nông dân trồng thức ăn thô xanh cho bò theo hướng dẫn kỹ thuật của TH và được TH bao tiêu đầu ra. Nhiều người được tạo việc làm trên quê hương, con cái họ được học hành đầy đủ, trở thành nhà quản lý, kỹ sư và công nhân lành nghề, có cuộc sống ổn định và thực sự hạnh phúc.
Đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường để cải thiện tầm vóc người Việt
Không chỉ hiến kế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tại Hội nghị, Anh hùng Lao động Thái Hương còn nói về mong muốn cải thiện cải thiện sức khỏe, tầm vóc, chiều cao của người Việt của mình.
Theo bà, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số 201 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Rất cảm ơn Thủ tướng thời gian qua đã chỉ đạo rất sát sao về vấn đề dinh dưỡng học đường. Nhưng hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng chạy theo lợi nhuận, bất chấp tất cả để đưa thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn vào các trường học. Các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học đã có nhưng do khâu giám sát không chặt chẽ đã dẫn tới nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển thể chất của con trẻ”, nữ doanh nhân Thái Hương lo lắng.
Theo chia sẻ của bà Thái Hương, ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, từ năm 1954, đã có Luật Dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. 70 năm sau, đã không có cụm từ “Nhật lùn” nữa.
Vì thế, điều khiến bà Thái Hương trăn trở là làm thế nào để con trẻ có nguồn dinh dưỡng và nguồn sữa tươi trong bữa ăn học đường chuẩn chỉ nhất, đặc biệt là trong độ tuổi từ 0-12 tuổi. Bởi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển khi đến 12 tuổi. Vì thế, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời.
TH trong những năm qua đã là đơn vị tiên phong trong thực hiện Chương trình Quốc gia Sữa học đường, đi đầu trong việc xây dựng mô hình kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, và sau này là đồng hành thực hiện “Mô hình điểm bữa ăn học đường”…, nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc cho trẻ em Việt Nam.
Tuy nhiên, để có thể cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt, thì cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Chính vì thế, nữ doanh nhân Thái Hương đã đề xuất xây dựng một bộ luật riêng tên là Luật Dinh dưỡng học đường, theo kinh nghiệm các nước đã thành công, trong đó có Nhật Bản.
Ngoài hai đề xuất kể trên, phát biểu tại Hội nghị, nữ doanh nhân Thái Hương cũng đã "hiến kế" để Việt Nam có thể khai thác hiệu quả "rừng vàng, biển bạc", phát triển kinh tế rừng ở một số địa phương...