Đầu tư
Cần nâng cấp tiêu chí nước công nghiệp mới
Minh Nhung - 01/09/2020 14:00
Việc bổ sung, sửa đổi tiêu chí của nước công nghiệp tính đến thời điểm này cần được bàn thảo cụ thể theo hướng nâng cấp theo quan niệm mới.
.

Nước công nghiệp theo mục tiêu trước đây gồm 10 tiêu chí: GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD; công nghiệp chế biến, chế tạo/GDP đạt trên 20%; nông nghiệp/GDP còn dưới 10%; lao động nông nghiệp/tổng số còn 20-30%; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; điện sản xuất bình quân đầu người đạt trên 3.000 kWh; HDI > 0,7; GDI 0,32-0,38; tỷ lệ số lao động qua đào tạo (có bằng) trên 55%; tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch 100%.

Năm 2020, người viết dự báo, GDP bình quân đầu người năm 2020 tính bằng USD theo tỷ giá trung tâm sẽ đạt khoảng 2.850 USD, mới bằng 57% tiêu chí. Nếu tỷ lệ GNI/GDP năm 2020 đạt 94% (bằng mức trung bình 2 năm 2018 là 93,8% và 2019 là 94,2%), thì GNI bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá trung tâm sẽ đạt 2.679 USD. Theo đó, cần đưa tiêu chí này cao hơn.

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo/GDP của Việt Nam liên tục tăng lên qua các năm, nhưng đều thấp hơn tiêu chí nước công nghiệp. Điều đó chứng tỏ phải nâng tỷ trọng này cao hơn. Đó là chưa nói tới, về công nghiệp chế biến, chế tạo, hiện có 2 vấn đề đáng lưu ý: khu vực kinh tế trong nước còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong giá trị sản xuất công nghiệp (khoảng 50%); tính gia công, lắp ráp của công nghiệp chế biến, chế tạo còn lớn.

Nông nghiệp/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm liên tục trong các năm gần đây, nhưng còn cao so với nhiều nước. Trong khi đó, nhiều nước có tỷ trọng thấp hơn vẫn chưa phải là nước công nghiệp (như Philippines, Đông Timo, Indonesia, Algeria…). Điều đó đòi hỏi phải đưa tỷ trọng này xuống thấp hơn.

Lao động nông nghiệp/tổng số lao động đang làm việc của Việt Nam đã giảm liên tục trong mấy năm nay, là kết quả của việc thu hút lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên, tiêu chí 20-30% lao động nông nghiệp còn quá cao, nên để dưới 20% bởi năng suất lao động nông nghiệp thấp xa so với công nghiệp - xây dựng.

Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng lên liên tục trong 10 năm nay, nhưng vẫn thuộc loại thấp, thấp xa so với tỷ lệ 55,3% của toàn cầu và đứng thứ hạng thấp so với khu vực ASEAN (ngang Lào, thấp thứ 7), so với châu Á (đứng thứ 34), trên thế giới (109). Do vậy, cần tăng tiêu chí này lên (chẳng hạn cao hơn mức bình quân chung toàn cầu).

Điện sản xuất bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng lên trong mấy năm gần đây. Thực tế cho thấy, nhu cầu điện có xu hướng tăng, nhưng nguồn phát triển còn hạn chế. Điện than được dự báo có thể thiếu than, dù nhập khẩu than tăng, lớn và giá cả tăng. Thủy điện tuy rẻ, nhưng việc phát triển thời gian qua cũng phát sinh một số vấn đề. Điện gió, điện mặt trời thì giá thành cao... Cần tăng tiêu chí điện sản xuất bình quân đầu người lên khoảng 5.000 kWh.

Chỉ số phát triển con người (HDI) là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người, được coi là chỉ tiêu tổng hợp của tổng hợp - quan trọng hơn cả GDP. HDI của Việt Nam tăng gần như liên tục qua các năm, đứng cao nhất trong nhóm trung bình và đang có xu hướng đứng vào nhóm cao. Thứ bậc của Việt Nam về HDI cao hơn thứ bậc về kinh tế (GDP và GNI bình quân đầu người), do các chỉ số về y tế và giáo dục đạt cao hơn chỉ số về kinh tế. Đây là biểu hiện đáng trân trọng, thể hiện mục tiêu vì con người được quan tâm và cho thấy tiềm năng của chỉ số về kinh tế. Tuy nhiên, có thể đưa tiêu chí này cao hơn.

GDI là hệ số bất bình đẳng trong thu nhập. Đây là hệ số dựa vào tỷ lệ thu nhập của dân cư cộng dồn và tỷ lệ dân số tương ứng cộng dồn. GDI càng gần 0 thì càng bình đẳng; càng gần 1 thì càng bất bình đẳng. GDI của Việt Nam trong thời kỳ 2016-2019 là 0,426, tuy thấp hơn thời kỳ 2010-2014 (0,430), nhưng cao hơn thời kỳ 2004-2008 (0,42) và cao hơn so với các nước Campuchia, Indonesia, Thái Lan trong cùng thời kỳ (từ 0,33 đến dưới 0,40).

Đặc biệt, cần xem xét thêm về chênh lệch thu nhập bình quân giữa nhóm giàu nhất so với nhóm nghèo nhất hiện tăng nhanh và ở mức khá cao. Điều đáng nói là, có một bộ phận không nhỏ trong nhóm giàu đã làm giàu bằng việc lách cơ chế, bằng việc cấu kết với các nhóm lợi ích... Điều này đặt ra 2 vấn đề cần giải quyết: cơ chế, tính thị trường còn thấp, còn nhiều sơ hở cho nhóm lợi ích hoạt động lợi dụng, trong khi cơ chế giám sát kiểm tra chưa đạt; việc trừng trị tham nhũng, buôn lậu, gian lận, hàng giả, hàng nhái còn yếu kém.

Tỷ lệ số lao động qua đào tạo những năm qua đã tăng lên, nhưng còn thấp rất xa so với tiêu chí trên 55%. Theo đó, có một số vấn đề cần quan tâm: cần tăng số cơ sở đào tạo, nhất là cơ sở đào tạo nghề; cần có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng; rà soát cơ cấu đào tạo; rà soát cơ cấu các ngành nghề, các môn đào tạo, lý thuyết với thực hành…

Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch (cần đổi thành nước hợp vệ sinh) của Việt Nam đã đạt khá cao (từ 91% năm 2012 lên 98,3% năm 2019, ở khu vực thành thị và một số vùng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ còn cao hơn). Tuy nhiên, ở nông thôn và một số vùng có tỷ lệ thấp hơn, quan trọng hơn là khâu vệ sinh, cung cấp và giá cả…

Tin liên quan
Tin khác