PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) |
“Nếu áp mức thuế không hợp lý, các mục tiêu đặt ra của thuế thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng đồ uống có cồn sẽ không thực hiện được”, ông Long nhấn mạnh.
Sửa đổi Luật Thuế TTĐB lần này, Bộ Tài chính đề xuất mức tăng thuế khá cao. Liệu mức thuế mới này có gây sốc cho doanh nghiệp sản xuất rượu bia không, thưa ông?
Kể từ khi ban hành (năm 1998) đến nay, Luật Thuế TTĐB đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung. Khác với các luật khác, cứ mỗi lần sửa đổi, bổ sung, thay thế, là một lần tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế, nhất là đối với mặt hàng rượu bia, thuốc lá.
Không thể phủ nhận, việc áp thuế TTĐB đối với những mặt hàng hạn chế tiêu dùng đã đem lại nhiều hiệu ứng tích cực như tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước... nhưng cùng với đó cũng có nhiều vấn đề cần cân nhắc.
Hiện tại, mức thuế đánh vào mặt hàng đồ uống có cồn không hề thấp, thậm chí là khá cao so với thu nhập của người dân, nhưng Bộ Tài chính vẫn muốn tiếp tục tăng thuế. Nếu không nghiên cứu cẩn trọng thì việc tăng thuế sẽ phản tác dụng. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, lộ trình tăng thuế từ năm 2026 đến năm 2030 đối với rượu từ 20 độ trở lên là 70 - 90% (phương án 1), hoặc 80 - 100% (phương án 2), thay vì 65% như hiện nay. Rượu dưới 20 độ hiện tại đang chịu thuế TTĐB với thuế suất 35% sẽ được nâng lên 40 - 60% (phương án 1) hoặc 50 - 70% (phương án 2); áp mức thuế 70 - 90% (phương án 1) hoặc 80 - 100% (phương án 2), thay vì thuế suất 65% như hiện tại đối với mặt hàng bia.
Trong hồ sơ Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2. Đây là mức tăng thuế rất sốc đối với cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người dân.
Theo ông, liệu các mục tiêu đặt ra của việc sửa thuế TTĐB có đạt được không?
Khi điều chỉnh tăng thuế đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách hướng tới 3 mục tiêu là điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe con người; đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định, bền vững; bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất đồ uống trong nước.
Việc điều chỉnh thuế đối với sản phẩm rượu, bia nhằm điều tiết sản xuất - tiêu dùng một cách hợp lý là phù hợp và là xu thế tất yếu, nhưng nếu áp mức thuế quá cao, quá nhanh và quá mạnh thì sẽ bị tác động ngược. Mỗi lần tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách đều nhấn mạnh mục tiêu điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của rượu bia đến sức khỏe con người, nhưng thực tế thì số lượng người dân, tỷ lệ người dân sử dụng, thậm chí lạm dụng bia rượu liên tục tăng. Người dân sử dụng rượu bia càng ngày càng trẻ hóa và Việt Nam được coi là một trong những quốc gia sử dụng rượu bia nhiều nhất thế giới. Như vậy, việc tăng thuế không đạt được mục tiêu này.
Thế còn mục tiêu bảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước thì sao, thưa ông?
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đóng góp của thuế TTĐB nói chung vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2023 chiếm khoảng 8-9% tổng thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, năm 2017 chiếm 8,32%; năm 2018 là 8,52%; năm 2019 là 9,21%; năm 2020 là 8,27%; năm 2021 là 8,21%; năm 2022 là 9,6% và năm 2023 là 8,8%. Sắc thuế này đóng góp vào ngân sách khá ổn định, vậy có nhất thiết phải sửa không?
Nếu cho rằng, tiếp tục tăng thuế TTĐB sẽ tăng thu ngân sách nhà nước thì cần phải xem lại. Vì với mức thuế quá cao, giá thành rượu bia cao so với thu nhập của người dân, trong khi nhu cầu sử dụng rượu bia của người dân không giảm, thậm chí tiếp tục gia tăng, thì người ta buộc phải sử dụng “rượu quê”, “bia vi sinh”, bia rượu nhập lậu, khiến sản phẩm bia rượu được sản xuất từ các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cả nhập khẩu nữa bị giảm, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu cả thuế TTĐB, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Ngân sách còn bị giảm thu từ các hoạt động gián tiếp liên quan đến bia rượu như khách sạn, giải trí, nhà hàng từ cao cấp đến bình dân, quá bia vỉa hè...
Hai mục tiêu đầu không thực hiện được, mục tiêu thứ ba là bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất đồ uống trong nước chắc cũng không thực hiện được nếu áp thuế TTĐB quá cao đối với rượu bia?
Nấu rượu là một trong những nghề cổ xưa nhất. Người dân Việt Nam có “truyền thống” nấu rượu. Khi áp thuế bia rượu quá cao, người dân không có điều kiện, thay vì sử dụng bia rượu do doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu thì uống “rượu nút lá chuối”, bia sản xuất tự phát, “bia vi sinh”, thậm chí uống cồn pha nước để thay rượu.
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể quản lý được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu bia có đăng ký, còn các loại bia rượu nhập lậu, sản xuất tự phát trong dân chúng (hiện chiếm 63% tổng sản lượng rượu bia) không thể quản lý nổi. Hệ quả là doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, người tiêu dùng bị đầu độc bởi rượu bia không bảo đảm chất lượng. Hàng năm có hàng ngàn vụ ngộ độc bia rượu, đánh chửi nhau, thậm chí nhiều vụ án mạng xảy ra do uống rượu bia được sản xuất tự phát, giá rẻ và chất lượng không bảo đảm.
Với mức thuế suất 65% hiện nay, giá bán mỗi lít rượu từ 20 độ trở lên có khoảng 2/3 là tiền thuế các loại, trong khi rượu tự nấu, “bia vi sinh” không phải chịu bất cứ loại thuế nào. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu bia rượu chính hãng có dán tem đã khó cạnh tranh, nếu tiếp tục tăng thuế thì lại càng khó sống.
Nếu không sử dụng chính sách thuế, theo ông phải sử dụng chính sách gì để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu bia?
Thuế chỉ góp phần nhỏ trong việc hạn chế lạm dụng rượu bia. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã phần nào kiểm soát được việc lạm dụng rượu bia bằng các chính sách khác, chứ không phải chính sách thuế.
Thực tế, thời gian qua, sản phẩm bia rượu không tăng giá, nhưng tiêu thụ sản phẩm rượu bia cũng đang giảm mạnh bởi hàng loạt chính sách được quy định tại Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng chống tác hại rượu bia; Luật Quảng cáo... Đặc biệt là Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng, với mức phạt đủ sức răn đe, giúp giảm tình trạng lạm dụng rượu bia.
Hạn chế rượu bia là việc bắt buộc phải làm vì hệ lụy của lạm dụng rượu bia vô cùng lớn, nhưng không phải chỉ bằng chính sách thuế. Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn, theo tôi cần phải xem xét, đánh giá tác động ở nhiều khía cạnh, như giá của sản phẩm sau khi tăng thuế; hành vi của người tiêu dùng; tác động đến số thu ngân sách, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vì hiện có khoảng 220.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp đang làm việc trong ngành sản xuất, kinh doanh bia rượu.