Từ sáng 3/11 Quốc hội bắt đầu thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội. |
Trước thềm phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về kinh tế, xã hội sáng 3/11, ý kiến của Ủy ban về các vấn đề Xã hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016-2020; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách đã được gửi đến các vị đại biểu.
Trong lĩnh vực này, năm 2020 Quốc hội giao Chính phủ thực hiện 3 chỉ tiêu là tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.
Kết quả có hai chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 4,39%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 64,5%.
Trong các chỉ tiêu ngành thì đã tạo việc làm cho 7.854.998 người, đạt 98,2% kế hoạch giai đoạn (chỉ tiêu kế hoạch là 8 triệu người).
Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, với lĩnh vực lao động, vấn đề cần quan tâm là thống kê, theo dõi, quản lý về thông tin thị trường lao động của ngành lao động còn thụ động, chưa linh hoạt, kịp thời.
Đáng chú ý là thông tin, số liệu về thất nghiệp, thiếu việc làm chưa được nêu và đánh giá cụ thể, đặc biệt là khu vực phi chính thức. Cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa có tính liên thông giữa các ngành, các cấp; chưa có giải pháp mạnh để cải thiện công tác dự báo thị trường lao động. Năng suất lao động được cải thiện chủ yếu vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu lao động và gia tăng cường độ vốn của doanh nghiệp .
Theo báo cáo, số liệu thu nhập bình quân tháng của năm 2020 so với cùng kỳ năm trước thấp hơn 11 nghìn đồng có thể chưa phản ánh được toàn diện hệ lụy tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đến đời sống của người lao động - cơ quan của Quốc hội nêu quan điểm.
Vẫn theo Ủy ban thì một số đề xuất hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 chưa sát với thực tiễn và chưa lường hết các khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện dẫn đến một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện. Đến trung tuần tháng 10/2020, tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ an sinh theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP còn thấp, cụ thể tỷ lệ giải ngân trực tiếp đạt khoảng 35% dự toán; tỷ lệ giải ngân gián tiếp còn quá thấp, mới đạt 1,24%.
Với kế hoạch năm sau và giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về các chỉ tiêu chủ yếu.
Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng cần cân nhắc việc đề xuất bỏ chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị do đây là chỉ tiêu quan trọng của ngành. Bên cạnh đó, chỉ tiêu lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2021 Chính phủ đề xuất là 25,5%, trong khi chỉ tiêu của cả giai đoạn là trên 25%, do đó, đề nghị Chính phủ đề xuất con số cụ thể đối với chỉ tiêu này.
Về năng suất lao động, cơ quan của Quốc hội đề nghị trong giai đoạn tới cần có tính toán để đưa ra tỷ lệ tăng năng suất lao động thực chất.
Trong kế hoạch 5 năm tới, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng không nên đưa chỉ tiêu tuổi thọ trung bình và số năm sống khỏe mà nên đặt ra chỉ tiêu này cho năm 2030 (như Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới). Giai đoạn này, theo Ủy ban cũng nên bổ sung vào các chỉ tiêu chủ yếu trong lĩnh vực xã hội các chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, chỉ tiêu về tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe và chỉ tiêu về tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi để thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và cũng để bảo đảm sự cân đối giữa các chỉ tiêu xã hội, chỉ tiêu kinh tế và chỉ tiêu môi trường.