Trước tầm quan trọng ngày càng tăng của việc kiểm soát chất lượng bao bì thực phẩm, ngày 14/5/2024, tại Hà Nội, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) đã tổ chức hội nghị liên quan đến một thành phần quan trọng trong sản xuất bao bì thực phẩm, đó là mực in.
Chia sẻ tại Hội nghị "Phổ biến Tiêu chuẩn Quốc gia: Mực in dùng cho bao bì thực phẩm – Yêu cầu chung", Phó Viện trưởng VSQI Phùng Mạnh Trường cho biết: "Tiêu chuẩn quốc gia mực in bao bì thực phẩm đóng vài trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và chất lượng của sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Tiêu chuẩn này giúp đảm bảo rằng bao bì được in ấn bằng các loại mực phù hợp, không gây hại cho sức khỏe và đáp ứng các yêu cầu về môi trường…”.
Với việc ban hành Tiêu chuẩn quốc gia-TCVN 13928:2023 "Mực in bao bì thực phẩm - Yêu cầu chung" vào cuối năm 2023, Việt Nam đã có tiêu chuẩn đầu tiên cho sản phẩm “Mực in bao bì thực phẩm”, góp phần nâng cao các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong toàn ngành bao bì.
Tiêu chuẩn này cấm sử dụng các thành phần nguy hiểm trong công thức mực in. Điển hình, tiêu chuẩn loại trừ toluene làm dung môi sử dụng trong công thức mực in. Toluene là một dung môi dùng phổ biến trong ngành mực in. Dung môi này bị nghi ngờ có thể gây hại cho thai nhi và ở mức có thể ảnh hưởng đến mùi và chất lượng thực phẩm (đặc tính cảm quan).
Phó Viện trưởng Phùng Mạnh Trường, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho rằng tuân thủ tiêu chuẩn mực in dùng cho bao bì thực phẩm là một khía cạnh doanh nghiệp cần quan tâm, thể hiện sự chú ý của doanh nghiệp đến sức khỏe người tiêu dùng, cũng như phù hợp với tiêu chuẩn sản xuất bền vững trên thế giới.
Đã có những doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi mực in bao bì theo hướng bền vững, và thu được kết quả tích cực.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Hòa, đại diện Perfetti Van Melle Việt Nam, kể từ năm 2020, dựa trên yêu cầu của thị trường châu Âu và hướng dẫn từ tập đoàn Perfetti Van Melle, chi nhánh Việt Nam đã chuyển đổi sang mực in không chứa toluene. Sự chuyển đổi này đòi hỏi đánh đổi về chi phí, nên cần thời gian chuyển đổi từ từ. Năm 2020 họ hướng đến thị trường xuất khẩu và từ 2021 trở đi, bao bì cho thị trường nội địa cũng được sản xuất từ mực in không chứa toluene.
Các sản phẩm kẹo của Perfetti Van Melle. |
Kết quả, công ty không chỉ giảm được nguy cơ về sức khỏe trong các bao bì sản phẩm, mà còn gia tăng xuất khẩu tại thị trường châu Âu và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, hiện các tiêu chuẩn về mực in bao bì thực phẩm do VSQI đưa ra chỉ mang tính chất tự nguyện áp dụng. Khi nào tiêu chuẩn trở thành quy chuẩn bắt buộc, theo Viện trưởng VSQI, phải phụ thuộc vào Cục vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
“Trước mắt, chưa có văn bản quy phạm pháp luật thì bản thân doanh nghiệp cần tự ý thức, và tính toán chi phí chuyển đổi để lên lộ trình phù hợp”, ông Phùng Mạnh Trường khẳng định.
Liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn mực in bao bì thực phẩm, ông Hoàng Công Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội bao bì Miền Bắc, một người có 30 năm kinh nghiệm trong ngành in ấn, nói rằng công ty của ông hiện đang phụ trách sản xuất bao bì cho các doanh nghiệp FDI. Để xuất khẩu đi châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, 80-90% lượng bao bì phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về mực in, chất lượng giấy,... dù những sản phẩm bên trong không liên quan đến thực phẩm.
Ông Khanh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu, bên cạnh chất lượng sản phẩm, chất lượng bao bì cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Vì vậy, ông nhấn mạnh: “Sớm hay muộn, Việt Nam phải có quy định bắt buộc liên quan đến bao bì thực phẩm, và tiếp đó là những hệ thống kiểm tra, giám sát. Việt Nam muốn hội nhập thì không thể bỏ qua xu thế này".