Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè vừa ký Tờ trình số 14/TTr- UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc Đề xuất dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ - Dự án 2 (Đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối TP. Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp) tham gia chương trình DPO.
Theo đề xuất của UBND TP. Cần Thơ, dự án cầu Ô Môn có địa điểm xây dựng tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ và huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Phạm vi dự án cầu Ô Môn nằm trong tổng thể tuyến liên vùng kết nối Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang. Điểm đầu dự án tại điểm giao Quốc lộ 54 thuộc tỉnh Đồng Tháp, cách bến phà Phong Hòa - Ô Môn khoảng 2,7 Km về phía thượng nguồn sông Hậu. Điểm cuối giao đường Tinh 920 quy hoạch thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Tổng chiều dài khoảng 5.400 m.
Dự kiến mặt cắt ngang cầu Ô Môn được đầu tư quy mô 4 làn xe, với tổng bề rộng mặt cầu là 26,50 m. Cầu chính là cầu dây văng dầm thép tiết diện chữ I liên hợp bản mặt cầu bê tông cốt thép, mặt cắt ngang cầu chữ II, bố trí theo sơ đồ (210+ 450+210).
Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 9.187,54 tỷ đồng (tương đương 374,24 triệu USD). Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị trên 5.950 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên 291 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình và chi phí khác gần 893 tỷ đồng và dự phòng gần 2.053 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, dự kiến nguồn vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản (Nhà tài trợ dự kiến hỗ trợ thực hiện dự án Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) trên 7.276 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác gần 1.912 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án năm 2023 - 2030. Cơ quan chủ quản dự án là UBND TP.Cần Thơ.
Theo UBND TP. Cần Thơ, mục tiêu chung đầu tư thực hiện công trình cầu Ô Môn phù hợp với Quy hoạch vùng ĐBSCL (Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022), hình thành nên trục kết nối Đồng Tháp Cần Thơ - Kiên Giang đóng vai trò quan trọng trong phát triển các khu công nghiệp của thành phố. Đồng thời, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Về mục tiêu ngắn hạn, bổ sung tuyến kết nối liên vùng để hỗ trợ cho các trục chính quốc gia, tạo sự kết nối liên thông giữa các địa phương trong khu vực mà trọng tâm là các tỉnh, thành: Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang; giảm bớt các tác động môi trường do các phương tiện vận tải gây ra khi kẹt xe, ách tắc giao thông và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng xăng dầu…