Tăng trưởng 2024-2025: Khả quan nhờ xuất khẩu
Theo số liệu do Tổng cục Hải Quan vừa công bố, tổng giá trị xuất khẩu đến giữa tháng 6/2024 đạt 172,8 triệu USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ. Trước đó, xuất khẩu hàng hóa trong 5 tháng đầu năm 2024 tăng 15,2%. Xét theo từng vùng lãnh thổ, riêng xuất khẩu sang Mỹ tăng 22,3%, trong khi cùng kỳ năm 2023 giảm 11,7%. Xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đều quay lại tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 16,1%, 10,9% và 3,2%. Nhập khẩu ghi nhận mức tăng trưởng nhanh hơn so với xuất khẩu trong tháng 5 nhưng cũng được đánh giá là tín hiệu tích cực cho mùa cao điểm xuất khẩu sắp tới.
Nhận định trong báo cáo Tiêu điểm tăng trưởng kinh tế tháng 6/2024, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy nhận định xuất khẩu của Việt Nam là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, đồng thời, cũng đang phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu của các nền kinh tế phát triển. Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản đang chiếm tới 53% giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Chính sự sụt giảm xuất khẩu sang các thị trường này đã khiến tổng xuất khẩu giảm và làm chậm tăng trưởng kinh tế năm 2023. Bước sang năm 2024, các nền kinh tế phát triển đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực, dự báo tăng trưởng đạt 1,7% trong năm 2024 và 1,8% vào năm 2025 (so với mức 1,6% của năm 2023). Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ tăng lần lượt 2,6% và 3,3% trong các năm 2024 và 2025, sau khi giảm 1,2% vào năm 2023.
“Nói thêm về thị trường Mỹ, đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn ¼ tổng giá trị xuất khẩu của nước ta. Trong các năm 2021 và 2022, các nhà nhập khẩu của Mỹ đã tăng nhanh nhập khẩu hàng hóa để bù đắp cho quãng thời gian gián đoạn bởi Covid-19. Sang năm 2023, khi mối lo đại dịch qua đi, các nhà nhập khẩu nhận thấy không cần thiết phải tích trữ quá nhiều hàng hóa nên đã chủ động giảm nhập khẩu để giải phóng hàng tồn kho. Đây là nguyên nhân khiến nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong năm 2023 giảm 160,5 tỷ USD (-5,1%). Trong đó, nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng như may mặc, giày dép, điện thoại và đồ dùng gia đình - các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam - giảm 80,6 tỷ USD (-9,6%). Sang năm 2024, xu hướng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ đã tích cực hơn với mức tăng +1,7% trong 4 tháng đầu năm. Điều này lý giải vì sao hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm trong năm 2023 và tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2024”.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2024 và 2025 sẽ tích cực hơn, nhờ đó kéo theo nhu cầu với hàng hóa Việt Nam.
Nhờ vào xuất khẩu khả quan, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2024 đã tăng lên 5,66%, so với mức tăng 3,32% của quý I/2023. Số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong quý 1/2024 cũng giảm xuống còn 168 nghìn lượt, mức thấp nhất trong 10 quý, cho thấy sự cải thiện ở khu vực việc làm và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Với dự báo kinh tế của các thị trường phát triển tiếp tục xu hướng tích cực và nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng của Mỹ đang tăng trở lại, chuyên gia từ Think Future Consultancy cho rằng có thể tin tưởng rằng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt như những tháng đầu năm. Xuất khẩu của năm 2025 cũng được kỳ vọng sẽ khả quan do các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao (2024: 1,7% và 2025: 1,8%).
“Với xu hướng này, chúng ta có thể tự tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ có diện mạo khởi sắc hơn trong cả hai năm 2024 và 2025”, ông Linh cũng nhấn mạnh.
Sứ mệnh chính sách nới lỏng tiền tệ đã hoàn thành
Kể từ khi đại dịch nổ ra, Việt Nam đã hướng mọi biện pháp thúc đẩy tăng trưởng vào chính sách tài khóa và tiền tệ. Thực tế, theo chuyên gia từ Think Future Consultancy, sau khi nới lỏng một thời gian dài, cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều đã bị kéo căng hết mức.
Về phía tài khóa là giảm thuế GTGT và tăng đầu tư công. Ngân sách cho đầu tư cơ bản năm 2024 đã không thể tăng thêm, dừng lại ở xấp xỉ 700 nghìn tỷ. Về phía tiền tệ, lãi suất đã giảm xuống mức “thấp nhất 20 năm”, không thể giảm thêm.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 không nhờ sự nới lỏng tài khóa hay tiền tệ này mà khả quan hơn.
“Một lý do đơn giản là thương mại toàn cầu và xuất khẩu rất ít liên quan đến lãi suất VND. Doanh nghiệp FDI, nhóm chiếm tới ¾ giá trị xuất khẩu, hoàn toàn có thể vay bằng USD với lãi suất thấp theo những quan hệ sẵn có với ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, giảm sâu lãi suất VND đang gây sức ép lên các cân đối vĩ mô quan trọng, rõ rệt nhất là tỷ giá và bong bóng tài sản.
Cụ thể, với tỷ giá, kể từ đầu năm, đồng VND đã mất giá xấp xỉ 5% so với USD. Kể từ năm 2022, tỷ giá liên tục chịu sức ép do lãi suất đồng VND giảm trong khi đồng USD lại tăng. Với bong bóng tài sản, trong giai đoạn Covid 2021-2022, một đợt sóng tăng giá chứng khoán và sau đó là bất động sản đã diễn ra trên diện rộng. Bong bóng này xì hơi vào cuối 2022 khi lãi suất điều hành tăng vào tháng 9 và 10/2022. Trong hai tháng đó, NHNN tăng lãi suất điều hành hai lần mỗi lần 1% để bảo vệ tỷ giá. Vậy nhưng khi lãi suất được giảm trở lại vào đầu 2023, một đợt tăng giá bất động sản khác lại nổ ra. Ngoài bất động sản, giá vàng cũng nổi sóng. Chênh lệch giá vàng SJC trong nước và giá vàng thế giới bắt đầu nới rộng donngười dân đã chuyển hướng sang đầu tư và thậm chí đầu cơ vàng.
Theo ông Linh, năm 2024 đã xuất hiện tình huống “trăm dâu đổ đầu tằm” khi NHNN cùng lúc phải ổn định tỷ giá và “bình ổn” giá vàng trong một không gian chính sách rất eo hẹp.
Trong khi tăng trưởng của 2024 và 2025 chắc chắn sẽ khả quan nhờ xuất khẩu, không phải nhờ nới lỏng tiền tệ. Ông Linh cho rằng có thể coi việc nới lỏng tiền tệ đến thời điểm này là đã hoàn thành sứ mệnh.
Cần lưu ý rằng lãi suất cho vay, yếu tố quyết định đến hỗ trợ tăng trưởng lại không nhất thiết phải tăng theo lãi suất huy động. Nhìn lại thời gian đại dịch, các NHTM đã giảm lãi suất cho vay chậm hơn lãi suất huy động và nhờ đó lợi nhuận của ngành ngân hàng đã tăng mạnh. Do đó, theo ông Linh, thời điểm này sẽ là lúc các NHTM cần chia sẻ thực chất hơn với doanh nghiệp bằng cách tăng lãi suất cho vay chậm hơn. Thực tê,s Chính phủ trong tháng 5 cũng đã ra chỉ thị là phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1-2% trong năm 2024.
Do đó, chính sách tiền tệ và định hướng lãi suất trong năm 2024 cần phải rất linh hoạt theo hướng tăng dần lãi suất huy động VND để hỗ trợ ổn định tỷ giá, giảm bớt đầu cơ hình thành bong bóng tài sản trong khi cố gắng giữ, giảm hoặc tăng chậm lãi suất cho vay. Đây là cách mà ông Linh cho rằng Việt Nam chắc chắn sẽ có được cả tăng trưởng và ổn định vĩ mô năm 2024 và 2025.
Cần ưu tiên chính sách kích cung
Nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất về lý thuyết có thể mang lại tăng trưởng. Tuy nhiên, ông Linh cho rằng việc đặt gánh nặng lên chính sách tiền tệ cần phải xem xét lại.
Nguyên nhân bởi xét trong bối cảnh Việt Nam, tác động tới tăng trưởng từ giảm lãi suất thực sự đang có khoảng cách. Dù lãi suất đã xuống rất thấp, tín dụng và đầu tư của khối tư nhân vẫn tăng rất chậm. Chính sách kích cung, tức hỗ trợ doanh nghiệp, do đó cần phải được ưu tiên.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách điều hành cần hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, bảo hộ có chọn lọc và chia sẻ nguồn tài nguyên từ phía doanh nghiệp nhà nước sang khối tư nhân. Có như vậy, khối doanh nghiệp tư nhân mới có thể đẩy nhanh tốc độ tích lũy vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về phía doanh nghiêp nhà nước, chúng ta cần đặt ra các chỉ tiêu KPI rõ ràng và trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp. Việc thay đổi lãnh đạo ở một số tập đoàn nhà nước lớn gần đây đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đây sẽ là bài học quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước, nơi sẽ vẫn tiếp tục nắm những nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia.
“Một cách nhìn đúng về các động lực tăng trưởng sẽ giúp chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam “điểm đúng huyệt”, giúp tăng tốc nền kinh tế trong khi vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô, thành tố quan trọng hàng đầu để có tăng trưởng bền vững. Thay đổi cách nhìn về động lực tăng trưởng”, Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy nhấn mạnh về việc cần thiết phải thay đổi cách nhìn về động lực tăng trưởng.