Doanh nghiệp
Cảng biển loại II, loại III: Nhu cầu có nhưng năng lực chưa đủ
Hoài Sương - 05/10/2023 12:42
Những cảng biển loại II, loại III như tại Quảng Bình, Long An, Phú Yên, Quảng Nam… thuộc các địa phương đang có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện các hãng tàu lại không muốn đến khu vực này vì cơ sở hạ tầng chưa đủ.

Phát biểu tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức sáng ngày 5/10, ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping nhận định, các ngành như giao hàng, kho vận, xuất nhập khẩu… đều có tiềm năng rất lớn.

Ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Elias Abraham, hơn15 năm trước, Việt Nam chưa có dịch vụ nào để đưa hàng hóa đến châu Âu và Mỹ, thế nhưng đến nay đã có hơn 200 tuyến đến các khu vực này. Đây được xem là một trong những cam kết của các hãng tàu, cho thấy Việt Nam là một ngôi sao sáng trong ngành logistics và bức tranh trong ngành logistics vẫn có những mảng sáng nhiều hơn.

Không những thế, doanh nghiệp trong ngành logistics nói chung hiện đang rất hoan nghênh xu hướng chuyển đổi số, số hóa. Nhờ đó, chi phí logistics tại Việt Nam vẫn đang rất cạnh tranh và không quá đắt đỏ.

“Tuy nhiên, công tác giao hàng cần mở rộng ra nhiều thị trường mới. Ngoài Mỹ, châu Âu thì Việt Nam có thể mở rộng sang thị trường Úc, Nam Mỹ và vùng Địa Trung Hải… bởi đây là các thị trường mà Việt Nam chưa có các chuyến tàu, lộ trình. Vì vậy, vai trò của Nhà nước là rất lớn trong việc xây dựng mối quan hệ, các ưu đãi trong việc xuất, nhập khẩu… với các thị trường mới, quốc gia mới cho ngành logistics”, ông Elias Abraham kỳ vọng.

Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung vào các cảng biển loại II, loại III như ở Quảng Bình, Long An, Phú Yên, Quảng Nam… Đây đều là những địa phương được ghi nhận sự tăng trưởng mới. Tuy nhiên, hiện các hãng tàu lại không muốn đến khu vực này vì cơ sở hạ tầng chưa đủ, dù nhu cầu là có.

Vì vậy, hiện hàng hóa chỉ đi qua các khu vực trung tâm chính nên phải vận chuyển đường bộ với một quãng đường dài, chi phí rất đắt đỏ… vì không có lựa chọn khác. Do đó, các cảng loại II, loại III sẽ là những lựa chọn trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên 1: “Nhận định xu hướng logistics của Việt Nam”.

Theo ông Elias Abraham, song song đó chính quyền địa phương không nên quá thắt chặt trong hoạt động quản lý, bởi ngành vận chuyển toàn cầu là ngành mang tính chất quốc tế cao, chịu sự điều chỉnh của thị trường toàn cầu qua giá trần, giá sàn… Vì vậy, nếu chịu quá nhiều sự quản lý thì khách hàng sẽ phải lựa chọn những tuyến đường khác.

Với ngành cảng biển, Việt Nam cần tăng cường năng lực nhiều hơn vì các tàu ngày càng gia tăng về quy mô. Do đó, các dịch vụ cần cung cấp các cần cẩu to hơn, cảng to hơn… nhưng không cần phát triển quá mức vì các chi phí gia tăng sẽ áp lên các hãng tàu nhiều hơn.

“Sự kết nối trong ngành cảng biển còn nhiều hạn chế khi chúng ta không thể kết nối cảng từ Đà Nẵng đến Hải Phòng hoặc một vài cảng khác vì cơ sở hạ tầng còn khó khăn, trong khi đó Việt Nam lại đang có vị thế hàng đầu về tuyến thủy nội địa. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng các cảng cạn nhiều hơn; nên đầu tư, xây dựng các cảng cạn này vì giao thông thủy nội địa đang có rất nhiều lợi thế và có chi phí logistics rẻ hơn so với giao thông đường bộ”, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping chia sẻ.

Cuối cùng, với ngành vận chuyển, Việt Nam đang đi theo con đường phát triển xanh nhưng lại chưa có một cảng nào có phương tiện xanh, chiến lược phát triển xanh bởi rất có thể trong tương lai, các chuyến tàu sẽ chạy bằng điện.

Tin liên quan
Tin khác