Mặc dù vậy, theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nguy cơ lạm phát năm 2022 là rất lớn.
Không chỉ căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới xuất hiện Omicron, các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu vào cuộc chiến chống lạm phát. Theo ông, liệu kinh tế thế giới có phải đối mặt với “bóng ma” lạm phát?
Ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, từ EU, Nhật Bản, Trung Quốc, đến Hoa Kỳ đều ghi nhận lạm phát leo thang trong nhiều tháng qua và trong 11 tháng của năm nay. Mức độ lạm phát không chỉ được ghi nhận cao nhất trong rất nhiều năm trở lại đây, mà còn gấp 2-3 lần so với tốc độ lạm phát trung bình trong những năm vừa qua. Như Hoa Kỳ ghi nhận tốc độ lạm phát tháng 11/2021 cao kỷ lục, lên đến 6,2%, gấp tới 3 lần tốc độ lạm phát bình quân ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế |
Nguyên nhân gây ra lạm phát đã được các chuyên gia kinh tế và định chế tài chính thế giới chỉ ra, đó là do dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy; giá dầu mỏ tăng do OPEC và OPEC+ không muốn tăng sản lượng khai thác vì giá dầu mỏ cao họ “ngư ông đắc lợi”; giá chất đốt (gas) cũng tăng chóng mặt, đặc biệt ở châu Âu do yếu tố chính trị; nguyên vật liệu là đầu vào của sản xuất tăng mạnh do sản lượng khai thác không đáp ứng nhu cầu… Cung không đáp ứng được cầu đẩy lạm phát lên.
Còn ở phía cầu, sau một thời gian đóng cửa, giãn cách khá cực đoan, nhìn chung các nước đã chấp nhận sống chung với virus SARS-CoV-2, nên đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế khiến cầu tăng, đẩy lạm phát tăng thêm một lần nữa. Nguyên nhân cuối cùng là gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chống chọi với dịch bệnh trên thế giới lên đến hàng chục ngàn tỷ USD, tương đương khoảng 17% GDP toàn cầu. Hàng hóa, dịch vụ tạo ra nhiều hơn lượng tiền lưu thông trên thị trường, khiến đồng tiền mất giá là đương nhiên.
Biến chủng Omicron hiện vẫn còn là ẩn số với y học, nhưng tất cả các nghiên cứu đều cho thấy, biến chủng này còn nguy hiểm hơn 3 biến chủng trước và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực tới lạm phát.
Là quốc gia có kim ngạch nhập khẩu tương đương với quy mô GDP nên chịu tác động từ kinh tế thế giới rất lớn, nhưng Việt Nam vẫn đang “miễn dịch” với lạm phát?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng của năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất (nguyên liệu, nhiên liệu, phụ kiện, thiết bị, phụ tùng, máy móc) chiếm 93,6%. Nếu cộng cả nhập khẩu hàng chục tỷ USD dịch vụ nữa, thì tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ còn lớn hơn cả quy mô GDP. Theo lý thuyết thì mặt bằng giá cả thế giới tăng, mặt bằng giá cả của Việt Nam phải tăng theo do chi phí đẩy. Tuy nhiên, trong 11 tháng của năm, CPI chỉ tăng 1,84% và được ghi nhận là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ còn lớn hơn cả quy mô GDP, đáng ra lạm phát của Việt Nam cũng “song hành” cùng thế giới, nhưng lại đi ngược xu hướng có khá nhiều lý do.
Cụ thể là những lý do nào, thưa ông?
Căn bản là do sức cầu yếu. Mặc dù thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (ngày 11/10/2021), nền kinh tế dần được mở cửa từ đầu tháng 10, nhưng cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ tháng 10 và tháng 11 vẫn giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020, khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2021 giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 3,8%). Cầu yếu không bị giảm phát đã là may.
Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19. Gói miễn, giảm, gia hạn lãi suất vay vốn ngân hàng và thuế, phí, lệ phí, bảo hiểm xã hội, công đoàn phí không tác động tới CPI, chỉ có gói hỗ trợ trực tiếp theo Nghị quyết 68/NQ-CP (ngày 1/7/2021) và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg (ngày 7/7/2021) tác động đến CPI, nhưng trên thực tế giải ngân gói này quá nhỏ, đến nay mới được 10.872 tỷ đồng, không đủ kích cầu tiêu dùng. Cầu yếu nên doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ phải “cắn răng” không dám tăng giá bán, thậm chí còn đua nhau giảm giá để tăng doanh thu, giữ chân khách hàng nên mặt bằng giá cả không tăng.
Lý do nữa là đức tính tiết kiệm của người Việt, càng khó khăn càng tiết kiệm, nên khi đã trở lại làm việc gần như bình thường kể từ đầu tháng 10/2021, người dân không mua sắm, tiêu dùng bạo tay để bù lại thời gian phải bớt nhu cầu vì giãn cách như người dân nhiều nước khác trên thế giới, khiến cầu không phục hồi được.
Với những yếu tố kể trên, năm 2022 chắc không quá lo lắng trong việc kiểm soát CPI dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đã đặt ra?
Tôi không nghĩ như vậy, thậm chí bóng ma lạm phát có thể quay trở lại nếu không kiểm soát hiệu quả. Giả sử yếu tố đầu vào của nền kinh tế (nguyên liệu, nhiên liệu, phụ kiện, thiết bị, máy móc, phụ tùng) năm 2022 vẫn diễn biến như năm 2021, thì sau một thời gian “cắn răng chịu đựng” không tăng giá, khi kinh tế phục hồi (dự kiến năm 2022 tăng 6-6,5%) doanh nghiệp sẽ chuyển toàn bộ yếu tố đầu vào của sản xuất thành giá bán. Ngành điện, nước, viễn thông đã giảm giá cho khách hàng hoặc ít nhất là không tăng giá trong suốt 2 năm qua, nhưng năm tới các ngành này có thể sẽ tăng giá. Dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá như học phí, viện phí 2 năm qua đã không tăng theo lộ trình, thậm chí nhiều địa phương còn giảm học phí, nhưng năm tới có thể ngành giáo dục và y tế sẽ xem xét tăng học phí, viện phí.
Cầu tiêu dùng đã bị kìm nén quá lâu, sức kìm nén đã tới giới hạn, không sớm thì muộn, người tiêu dùng không thể “thắt lưng buộc bụng” được nữa, vì các loại hàng hóa, dịch vụ cắt giảm đều là những loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, không thể không sử dụng.
Thế còn gói kích cầu Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường vào tháng 12 này thì sao, có tác động đến CPI không, thưa ông?
Chương trình phục hồi kinh tế theo ước tính vào khoảng 800.000 tỷ đồng, phần chi đầu tư công chưa tác động đến lạm phát ngay, nếu có phải vài năm nữa. Gói hỗ trợ lãi suất 200.000 tỷ đồng nếu cho vay đúng đối tượng, tiền được đưa vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đủ để trung hòa với lượng tiền bơm ra thì sẽ không tác động tới lạm phát, ngược lại, tiền bơm ra mà sản lượng hàng hóa, dịch vụ không tương xứng thì lạm phát sẽ tăng được gọi là lạm phát cơ cấu.
Lạm phát cơ cấu, cộng với lạm phát chi phí đẩy (nhập khẩu), lạm phát cầu kéo (sức cầu tăng) sẽ đẩy lạm phát lên nếu ngay từ bây giờ không thực hiện kiểm soát chặt chẽ. Lạm phát bao nhiêu, theo tôi không quan trọng, có thể là trên 4% hoặc cao hơn nữa do thị trường quyết định, quan trọng là Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát được lạm phát.