Ngân hàng - Bảo hiểm
Cảnh báo nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng
Kỳ Thành - 20/05/2019 09:39
Khả năng tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng để hợp pháp hóa các khoản thu bất chính là cao hơn so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
Lĩnh vực ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền.  Ảnh: Đ.T

Rủi ro rửa tiền quốc gia ở mức trung bình cao

Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cuối tuần qua cho thấy, rủi ro rửa tiền quốc gia ở mức trung bình cao.

Ngoài ra, Báo cáo cũng xác định rủi ro rửa tiền cụ thể cho các lĩnh vực trong nền kinh tế. Các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền, trong đó có tham nhũng; đánh bạc và tổ chức đánh bạc; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; trốn thuế; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; buôn lậu…

Ông Phạm Gia Bảo, Phó cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (thuộc NHNN) cho biết, lĩnh vực ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền, cao hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.

Theo nhận định của Báo cáo, ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính và nền kinh tế quốc gia. Tổng tài sản có của hệ thống ngân hàng đã tăng từ gần 5 triệu tỷ đồng năm 2011 (bằng 180% GDP cả nước) lên tới 8,5 triệu tỷ đồng năm 2016 (bằng 190% GDP cả nước). Với mạng lưới rộng lớn và là kênh trung gian tài chính cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính như cho vay, nhận tiền gửi, cho thuê tài chính, kinh doanh ngoại tệ, các công cụ thị trường tiền tệ..., mức độ tổn thương về rủi ro rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng được đánh giá ở mức trung bình cao.

“Mặc dù phải khẳng định rằng, không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ, so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch” là cao hơn”, Báo cáo nêu rõ.

Căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu về các giao dịch đáng ngờ, có thể thấy, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản, đánh bạc và trốn thuế. Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Ngăn chặn rửa tiền ngay từ nguồn

Ông Phạm Gia Bảo đánh giá, vấn đề với Việt Nam hiện tại là cần tìm giải pháp hữu hiệu để chặn việc rửa tiền. Để xử được tội rửa tiền, phải xử được tội phạm nguồn, khác với những tội phạm khác là xét xử ngay sau khi điều tra.

Những nguồn tiền sinh ra từ tội phạm nguồn là hướng để điều tra truy tố và xét xử tội rửa tiền. Đây chính là khó khăn trong việc xét xử tội rửa tiền. Nếu hoàn thiện được hướng dẫn để xác định tội phạm nào là tội phạm nguồn, thì quá trình điều tra, truy tố sẽ thuận lợi hơn.

Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, đây là lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố. Với các thông tin, số liệu, hồ sơ vụ việc thu thập được thông qua cơ chế phối hợp trong nước và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các bảng câu hỏi khảo sát, các nghiên cứu, thông tin mở (báo, tạp chí, Internet); thông qua bộ công cụ của Ngân hàng Thế giới (WB) đã xác định được “nguy cơ” về rửa tiền và tài trợ khủng bố, cũng như “tính dễ bị tổn thương” trong công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của Việt Nam.

“Triển khai đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố là nội dung quan trọng hàng đầu để phục vụ đánh giá đa phương cũng như có ảnh hưởng lớn đến kết quả đánh giá đa phương của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền đối với cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam vào cuối năm nay”, Phó thống đốc nói.

Ông Nguyễn Kim Anh cho biết, Báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017 đã chỉ rõ hiện trạng, nguy cơ rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố. Trên cơ sở đó, ngành ngân hàng đã xây dựng kế hoạch với gần 40 hành động cho nội bộ ngành và hơn 20 chương trình hành động phối hợp với các bộ, ngành liên quan. NHNN sẽ ban hành các kế hoạch hành động này trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác