Doanh nghiệp
Cảnh báo việc gia tăng doanh nghiệp Việt không đáp ứng được yêu cầu SPS
Hoài Sương - 30/09/2022 12:25
Các vi phạm ATTP về dư lượng hóa chất, ô nhiễm vi sinh vật và độc tố nấm mốc… xuất khẩu vào thị trường EU trong 9 tháng đầu năm tăng 25 trường hợp so với năm 2021.

9 tháng đầu năm 2022 đã có 59 trường hợp hàng hóa nông thủy sản Việt xuất khẩu sang EU bị thu hồi hoặc cảnh báo do vi phạm những yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS), tăng 25 trường hợp so với năm 2021. 

Thông tin được ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đưa ra tại Hội nghị “Phổ biến các tiêu chuẩn quy định và thực thi cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA” do Trung tâm Hội nhập quốc tế phối hợp với Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) vừa tổ chức tại TP.HCM.

Trong số này, có 35 trường hợp hàng hóa nông thủy sản của Việt Nam vi phạm mức dư lượng hóa chất, 7 vi phạm ô nhiễm vi sinh vật và độc tố nấm mốc, 17 trường hợp là các vi phạm khác.

Theo ông Trịnh Bá Cường, Tổng thư ký FFA, việc các nước EU đặt ra các yêu cầu kỹ thuật, quy định về SPS, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) khắt khe chính là thách thức lớn đối với xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến.

Quy định SPS là thách thức với nông sản Việt ở thị trường EU

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu và nhà sản xuất nông sản cần hỗ trợ để hiểu rõ các cam kết về SPS trong Hiệp định EVFTA, lưu ý với ngành hàng nông thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường EU, hướng dẫn theo dõi quy định SPS trong hoạt động xuất khẩu.

Cụ thể, với nhà sản xuất, chế biến xuất khẩu, EU yêu cầu đạt các hệ thống chứng nhận an toàn thực phẩm như ISO 22000 hay HACCP, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm (TCCS), kiểm tra giám sát chất lượng, quy chế truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu – thành phẩm – phân phối, triệu hồi sản phẩm…

Trong tương lai, các thị trường khác cũng sẽ đưa ra những yêu cầu khắt khe tương tự như EU. Do đó, việc sớm đáp ứng các quy định này sẽ giúp hàng hóa của doanh nghiệp có thể đi đến bất cứ thị trường nào trên thế giới

Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý với các xu hướng mới trong tiêu dùng của thị trường EU liên quan kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường…. Qua đó, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị và có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp đáp ứng các xu hướng này.

Tin liên quan
Tin khác